Sức sống mới vùng cao
Trước đây đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đã làm “thay da đổi thịt” cuộc sống của bà con nơi đây. Những tuyến đường bê tông nối dài đến từng thôn, bản; trẻ em vui cắp sách đến trường; nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên bên những rừng keo xanh ngút ngàn… là minh chứng cho một cuộc sống mới của người dân nơi đây.
Đổi thay ở vùng cao Ba Chẽ
Nhiều năm về trước, người dân vùng cao huyện Ba Chẽ để có nước sạch dùng phải băng rừng ra khe suối lấy nước, khá vất vả. Chỉ một vài hộ có điều kiện hơn thì đào giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt. Vào mùa khô, nước không đủ dùng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con.
Bà Triệu Thị Dung (thôn Khe Sâu) cho biết: "Nước giếng khoan, đào thường có cặn, không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa khô, nước giếng cũng khô cạn, phải đi lấy nước khá xa. Khi có dự án nước sạch về tận nhà dân, tôi phấn khởi lắm, vì từ nay không phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh như trước. Có nguồn nước sạch này, gia đình tôi rất yên tâm vì bảo vệ được sức khỏe của cả gia đình".
Có nước sạch cũng là niềm vui của hộ ông Triệu Cắm Thành (thôn Làng Cống, xã Đồn Đạc). "Từ khi hồ chứa nước Khe Tâm được đưa vào sử dụng đã mang nước sạch cho nhiều hộ dân chúng tôi. Người dân không còn lo thiếu nước sinh hoạt nữa. Có nguồn nước sạch, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn kết hợp chăn nuôi, vịt, giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn".
Để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, tháng 3/2023 huyện Ba Chẽ khởi công xây dựng hồ chứa nước Khe Tâm (xã Nam Sơn), dung tích chứa 1,2 triệu m3, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân xã Đồn Đạc và xã Nam Sơn, bổ sung cho trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Ba Chẽ.
Sau thời gian khắc phục khó khăn về địa hình đồi núi để thi công, công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Đường ống và đồng hồ nước được đấu nối cung cấp nước sạch cho gần 600 hộ dân/trên 3.400 nhân khẩu thôn Nam Kim (xã Đồn Đạc) và các thôn Khe Sâu, Làng Mới, Cái Gian, Hải Sơn (xã Nam Sơn). Công trình nước sạch đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, tận dụng lợi thế đất rừng, huyện Ba Chẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo hướng tập trung, như trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, trà hoa vàng, ba kích tím. Người dân trên địa bàn còn tích cực cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn quả cam, thanh long..., phát triển các mô hình chăn nuôi.
Bằng sự năng động và khát vọng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Đàm Văn Triệu (dân tộc Sán Chỉ, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn) đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế vườn - chuồng - rừng, nhất là mô hình nuôi gà dưới tán cây trà hoa vàng. Đây là cách làm mới hiệu quả, hướng đi mới cho người dân nơi đây. Từ mô hình này, gia đình anh trở thành hộ nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.
Nhận thấy hơn 2ha cây trà hoa vàng của gia đình, cùng với nguồn thức ăn dồi dào là điều kiện thuận lợi chăn nuôi gà quy mô trang trại 1.000 con. Để thực hiện mô hình, anh tìm hiểu kỹ về giống gà và kỹ thuật chăn nuôi.
Sau khi gà giống 3 tháng tuổi, anh chuyển chế độ nuôi, cho gà ăn ngô địa phương trộn với cây chuối rừng thái nhỏ, thả đàn gà ra đồi để gà ăn cỏ mọc dưới tán cây trà hoa vàng. Đàn gà luôn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Sau 7 tháng, mỗi con gà đạt trọng lượng từ 1,5-2kg, thịt chắc, ngọt, thơm ngon, đủ điều kiện xuất bán, giá 150.000 đồng/kg. Từ năm 2019 đến nay gia đình anh duy trì nuôi 3 lứa gà/năm, mỗi lứa thu lãi từ 30-40 triệu đồng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng cao Ba Chẽ, đang tiếp tục được nhân rộng.
Sức dân tạo nên thành quả
Hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, hiện đại, những ngôi nhà cao tầng san sát, nhiều con đường được bê tông với những bức tranh tường rực rỡ sắc màu... Cuộc sống văn minh, hiện đại đang hiện hữu nơi bản, làng; những vùng nông thôn yên bình ngày càng trở nên đáng sống với cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
Với sự chung sức, đồng lòng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường sống cải thiện, người dân đoàn kết, yêu thương, gắn bó. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, bền vững hơn. Người dân cùng nhau xây dựng môi trường, kiến tạo cảnh quan làng quê xanh - sạch - đẹp, chung sức xây dựng đời sống văn hóa.
Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trực tiếp là người dân, đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Người dân vùng nông thôn đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động vươn lên xóa nghèo, làm giàu, coi xây dựng NTM là việc làm của chính mình, là chủ thể, là người được hưởng lợi.
Các địa phương đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền; cán bộ từ huyện đến xã, thôn trực tiếp xuống từng địa bàn, hộ gia đình “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế để đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập.
Điển hình như tại huyện Đầm Hà. Để nâng cao đời sống của bà con DTTS, một trong những giải pháp hiệu quả của huyện là hỗ trợ, giúp người dân có “điểm tựa” để phát triển kinh tế, giảm nghèo, chủ động làm kinh tế là từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Thông qua Ngân hàng CSXH huyện đã có 366 hộ DTTS được vay vốn ưu đãi với dư nợ cho vay 28,412 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện triển khai các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, như hỗ trợ công nhận 300ha cây quế đạt tiêu chuẩn organic, tạo điều kiện cho Công ty CP Quế Hồi Quảng Ninh triển khai dây chuyền chế biến quế xuất khẩu và xây dựng mô hình liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm quế xuất khẩu ra thế giới; hỗ trợ mô hình liên kết trồng cây dược liệu bách bộ tại xã Quảng An...
Vùng đồng bào DTTS xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, như: Trồng rừng, trồng cây đặc sản quế, hồi ở xã Quảng An, xã Quảng Lâm; liên kết nuôi gà bản Đầm Hà, nuôi trồng thủy sản ở các xã ven biển... Các mô hình trang trại, mô hình HTX phần lớn có sự liên kết với người dân, tạo chuỗi liên kết, thúc đẩy sản xuất, góp phần giảm nghèo và xây dựng NTM. Các sản phẩm OCOP phát triển, có thương hiệu, như; Lá tắm người Dao, rượu khoai men lá, củ cải, mật ong rừng Ba Nhất… Bà con đã thay đổi tập quán canh tác, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Chị Síu A Sủi (thôn Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) chia sẻ: "Được sự hỗ trợ của xã, gia đình tôi đã cải tạo khu đất hoang để xây dựng chuồng lợn hợp vệ sinh. Tôi còn được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, vay vốn sản xuất. Nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá hơn, mỗi năm từ chăn nuôi lợn cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.
Sức sống mới ở những vùng cao của tỉnh đang ngày càng bừng sáng với nhiều đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Thành quả đó là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để cho những bản làng, vùng quê “đơm hoa, kết trái”.
Ý kiến ()