Ứng phó với già hoá dân số
Tại nhiều quốc gia, già hóa dân số đặt ra nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội, chính sách an sinh, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội cũng tăng theo, trong khi lực lượng lao động giảm, điều này đòi hỏi sự ứng phó hợp lý, lâu dài để hạn chế sự ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Già hóa dân số là sự thay đổi phân bố dân số một nước theo hướng tăng cao tỉ lệ người cao tuổi. Điều này thường được phản ánh qua việc tăng độ tuổi bình quân và độ tuổi trung vị của dân số, giảm thiểu tỷ lệ trẻ nhỏ, gia tăng tỷ lệ dân số trung niên. Tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa đặt ra mối lo về thiếu hụt trầm trọng nhân lực, là rào cản đối với tiến trình phát triển kinh tế. Dân số già hóa cũng gây áp lực cho hệ thống y tế, phúc lợi xã hội.
Tại Việt Nam, đất nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và được dự báo xấp xỉ 18 triệu người vào năm 2030. Cụ thể, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên hiện gấp 1,25 lần so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh trong 10 năm trở lại đây, có xu hướng tiếp tục tăng những năm tiếp theo.
Từ việc già hoá dân số đã đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, tác động đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...
Những năm qua, Việt Nam đã và đang chủ động ứng phó với tình trạng già hoá dân số. Trong đó, ngành y tế nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Cùng với đó ngành bảo hiểm xã hội cùng các địa phương đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế để ứng phó với già hoá dân số.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, trước mắt bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con. Trong đó, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1, sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên.
Cũng theo Bộ Y tế, một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh có xu hướng xuống thấp trong những năm gần đây là do điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng được nâng cao, nhu cầu phát triển sự nghiệp bản thân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tìm kiếm việc làm tốt hơn để có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời được tận hưởng cuộc sống và thành quả của sự phát triển nhiều hơn đã tác động làm chậm, muộn việc kết hôn, nhu cầu sinh con, thời điểm sinh con, sinh đủ 2 con của các bạn trẻ, của các cặp vợ chồng.
Sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí thuê hoặc mua nhà, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao, cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con…
Từ những nguyên nhân trên khiến mức sinh giảm thấp dẫn đến suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, về lâu dài sẽ tác động không tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác đảm bảo an sinh xã hội, đòi hỏi Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ninh phải có chính sách phù hợp để ứng phó với việc già hoá dân số.
Ý kiến ()