Sức hút từ nghề thợ lò
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật khai thác mỏ của ngành Than, câu chuyện về những thợ lò có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm trở lên ngày càng phổ biến. Từ năm 2023 đến nay, vùng Quảng Ninh có thêm những danh sách thợ lò thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm và ngày một nối dài. Dù công việc thợ lò nặng nhọc và vất vả, nhưng thu nhập cao cùng những phúc lợi hấp dẫn vẫn là lý do khiến nghề này duy trì được sức hút với nhiều lao động trong cả nước.
4 năm trước, chàng trai trẻ Hoàng Văn Toan (quê Lào Cai) từng rất vất vả khi phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm tiền trang trải viện phí cho mẹ. Toan sinh năm 1994 tại thôn An, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, trong gia đình có 7 anh chị em và em là con trai út trong nhà. Thời điểm đó, gia đình Toan thuộc diện khó khăn nhất nhì trong thôn bản. Hoàn cảnh gia đình khó khăn và gánh nặng về kinh tế khiến ước mơ lấy vợ, làm nhà từng rất xa vời với Toan.
"Cơ duyên gặp gỡ với những thầy, cô giáo Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản khi đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Được định hướng và khích lệ, tôi quyết định tự mình thay đổi vận mệnh bằng con đường học hành, làm nền tảng cho công việc sau này. Tôi đã xuống Quảng Ninh và theo học nghề mỏ, sau đó được tuyển thẳng vào Công ty Than Uông Bí - TKV để làm việc, thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/tháng" - thợ lò Hoàng Văn Toan chia sẻ.
Có công việc với thu nhập cao, năm 2023, Toan đã lập gia đình và sinh con trai đầu lòng. Từ đó, người thợ lò trẻ càng thêm động lực để lao động sản xuất. “Chúng tôi cưới nhau năm 2023 thì mới sinh được 1 cháu, anh Toan đi làm thì có thu nhập cao gửi về cho 2 mẹ con và gia đình chi tiêu. Từ ngày anh ấy đi làm mỏ, gia đình chúng tôi đỡ vất vả rất nhiều, có của ăn của để" - chị Vi Thị Lương, vợ thợ lò Hoàng Văn Toan tâm sự.
Cơ duyên đến với nghề mỏ của anh Sùng A Hổng, một thanh niên trẻ ở bản Nậm Ngám B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cũng là câu chuyện được nhiều đồng nghiệp ở Công ty Than Uông Bí nhắc đến. Ngày còn ở bản, Sùng A Hổng được bạn bè đi làm xa về, giới thiệu và khích lệ anh xuống Quảng Ninh học nghề mỏ với hy vọng sẽ đổi đời. Nhìn bạn bè sống tốt hơn nhiều từ khi làm thợ mỏ, Hổng quyết tâm thử sức mình. Khi đó, anh mới là chàng trai 17, 18 tuổi, cái tuổi chưa hẳn đã quen với những lo toan về cuộc sống.
Sau 5 năm học tập và công tác, Sùng A Hổng đã trưởng thành rất nhiều, trở thành một thợ lò chững chạc và vững tay nghề của Công ty Than Uông Bí. Điều anh mãn nguyện nhất với lựa chọn của mình năm xưa là mức thu nhập từ 20-25 triệu đồng/tháng - khá cao và ổn định. Có kinh tế, Hổng lo được cho bố mẹ ở quê, lấy vợ, sinh con và đưa cả gia đình nhỏ xuống Quảng Ninh định cư lâu dài.
Câu chuyện của Hoàng Văn Toan và Sùng A Hổng chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ điển hình cho thấy sức hút của nghề thợ lò đối với những lao động trẻ trên mọi miền đất nước. Từ nhiều miền quê khác nhau, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh đã lựa chọn về Quảng Ninh lập nghiệp và ổn định đời sống với nghề thợ lò. Từ những thanh niên vốn chỉ làm thuê, làm mướn, công việc bấp bênh, thu nhập thấp tại quê nhà, sau từ 3-5 năm chăm chỉ lao động, họ đều đã trở thành những người thợ mỏ lành nghề của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, có mức thu nhập cao từ 15 đến trên 30 triệu đồng/tháng, có của ăn của để và có điều kiện nâng cấp chất lượng cuộc sống.
Hàng ngày, sau những tiếng hô an toàn, những người thợ lò lại "hành quân" vào lòng đất. 8 tiếng làm việc mỗi ngày, họ đổi lại hàng triệu tấn than cho Tổ quốc. Bù đắp cho những nhọc nhằn của người thợ sau mỗi ca lao động vất vả là cuộc sống kinh tế ngày một đủ đầy, phúc lợi ngày càng đảm bảo. Rất nhiều người trẻ từ những miền quê khác nhau, bằng nghề thợ lò đã xây được nhà, sắm được ô tô, tự trang bị cho mình cuộc sống ổn định. Nhiều người cũng đã lựa chọn Quảng Ninh làm quê hương thứ hai để lập nghiệp và cống hiến.
Dẫu công việc còn khó khăn, vất vả, dẫu cuộc sống còn nhiều lựa chọn, nhưng những năm qua ở Quảng Ninh, nghề thợ lò vẫn là một trong những nghề có sức hấp dẫn với nhiều lao động; nhất là lao động ở các vùng quê ngoài tỉnh.
"Sức hút của nghề thợ lò không phải tự nhiên mà có. Ngoài những chính sách đãi ngộ về tiền lương, tiền thưởng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã rất sát sao chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai tốt mọi phúc lợi dành cho người lao động. Từ việc ăn, ở, đi lại, làm việc trong môi trường hiện đại, cơ giới hóa đến các điều kiện sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân, lao động đều được các đơn vị đảm bảo thực hiện đầy đủ. Có thể nói, trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nhân lao động ngành Than là một trong những nhóm lao động được thụ hưởng các chính sách phúc lợi tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh" - ông Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chia sẻ.
Ý kiến ()