Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào một số dự án luật quan trọng
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 22/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng nội dung luật để định hướng sản xuất tiêu dùng. Nhưng dự thảo luật chưa thể hiện được vấn đề này. Như đối với những sản phẩm thuốc lá mới, theo định hướng của Ủy ban Kinh tế tham mưu Quốc hội là sẽ cấm trong thời gian tới, vì có nhiều tác hại, nhưng phải theo đúng quy trình, thủ tục để đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Còn theo nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra để đánh thuế thì sau này lại không cấm được. Vì cấm tức là không xuất nhập khẩu, không có sản xuất, không có tiêu dùng... Do vậy phải có sự đồng nhất, giữa các luật và yêu cầu thực tế đặt ra.
Hay như mặt hàng xăng E5 cũng phải có chính sách để khuyến khích ưu tiên sản phẩm xăng sinh học này; còn mặt hàng điều hòa nhiệt độ cũng cần phải có chính sách cụ thể với những loại sản xuất theo công nghệ thân thiện với môi trường ở mức thuế thấp; đối với công nghệ không thân thiện với môi trường, phát thải nhiều thì quy định ở mức thuế cao hơn, mà không chỉ dựa vào công suất…
Liên quan đến dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đại biểu cho rằng không nên căn cứ vào quy mô doanh nghiệp, vì thực tế có những doanh nghiệp rất nhỏ nhưng có doanh thu cao ví dụ như: doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ; ngược lại, có những doanh nghiệp lớn doanh thu lại ở mức nhỏ. Do đó, nếu chỉ quy định về mức quy mô thì chưa phản ánh đúng bản chất của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị, tại Điều 3 về nguyên tắc hoạt động giám sát, Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung để đảm bảo việc thực hiện một cách thuận lợi.
Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo theo khoản 2, Điều 13 cần bổ sung nội dung những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm mà thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Về quy định chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tại Điều 15, đại biểu đề nghị nội dung này cần quy định ở văn bản dưới luật, sẽ đầy đủ, chặt chẽ và tạo được thuận lợi; nếu như cần thiết phải điều chỉnh thì điều chỉnh ở văn bản cấp dưới sẽ phù hợp hơn.
Về quy định Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương theo khoản 1, Điều 52 cần nghiên cứu sửa đổi quy định về số lượng thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng không quy định cụ thể số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Về giải pháp để đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát theo điều 89, theo đại biểu nội dung này trong dự thảo luật cần phải thể hiện một cách rõ nét để nâng cao được chất lượng, hiệu quả của các đoàn giám sát và những kiến nghị, đề xuất đi vào thực tiễn; giải quyết được thật sự những bất cập, vướng mắc, khó khăn, những nội dung cần phải kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung vào dự án luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật.
Ý kiến ()