Sốt xuất huyết trái mùa
Mặc dù thời điểm hiện tại không phải là mùa dịch sốt xuất huyết, thế nhưng từ đầu năm đến nay tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh, loại dịch này vẫn xảy ra khá phổ biến. Điều này đã gây sự lo lắng và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Sốt xuất huyết nằm trong danh sách những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xảy ra theo mùa và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút mang Dengue có trong muỗi vằn. Bệnh có khả năng lây truyền từ người nay qua người khác qua vật trung gian là muỗi vằn, thời gian phát bệnh chỉ từ 4 - 5 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, cao điểm dịch rơi vào tháng 9, 10. Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn. Bởi nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên muỗi vằn sinh sản rất nhiều. Khoảng thời gian trên cũng chính là thời điểm bùng phát mạnh mẽ dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc.
Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 361.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 133 ca tử vong. Đây là một trong những năm có số ca mắc sốt xuất huyết cao từ trước đến nay.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù chưa đến mùa dịch, thế nhưng miền Bắc đã ghi nhận 431 ca mắc, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tại Quảng Ninh, số ca sốt xuất huyết cũng tăng cao, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 79 ca sốt xuất huyết, tăng 77 ca so với cùng kỳ.
Có thể nhận thấy rằng, dịch sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp từ năm 2022 và đang kéo dài sang năm 2023 với số ca mắc mới vẫn tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi, đặc biệt là muỗi vằn phát triển. Nhất là theo chu kỳ thì chuẩn bị sắp đến mùa dịch sốt xuất huyết phát triển. Thế nhưng, trên thực tế người dân vẫn còn rất chủ quan trong việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Trong khi đó để đẩy lùi được bệnh sốt xuất huyết thì ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, chính quyền địa phương thì sự chung tay của người dân, mỗi gia đình là vô cùng cần thiết.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện, diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân hết sức chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, bệnh thường xuất hiện sau khoảng 3 - 5 ngày ủ bệnh kể từ khi nhiễm vi rút, tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh mà mỗi bệnh nhân có thể có triệu chứng khác nhau, trong đó phổ biến là sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, xuất huyết… Ở thể bệnh nặng, người bệnh có nhiều dấu hiệu nguy hiểm như: Cơ thể mệt mỏi, li bì, mất ý thức, chân tay lạnh, nhịp tim bất thường, nôn nhiều... Tình trạng xuất huyết nặng, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan nội tạng hoàn toàn có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo khi bị sốt xuất huyến cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm. Theo chu kỳ thì dịch sốt xuất huyết 2023 đang sắp tới. Chính vì vậy, để phòng chống loại dịch này rất cần sự vào cuộc thường xuyên, liên tục, tích cực từ mỗi người dân và các hộ gia đình.
Ý kiến ()