
"Sốt giá" thịt lợn – Coi chừng "lợi bất cập hại"
Thời gian qua, giá thịt lợn ở một số tỉnh, thành phố tăng mạnh. Giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi lên tới 75.000-80.000 đồng/kg. Giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh cũng tăng vọt, với mức dao động từ 120.000-170.000 đồng/kg tuỳ loại, riêng sườn non tăng lên mức 180.000-200.000 đồng/kg.
Theo tính toán, giá thịt lợn hiện tại đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. Chính vì vậy, người dân đang mong chờ một giải pháp căn cơ để kiểm soát chỉ số giá, bảo đảm cung-cầu về thịt lợn.
Nguyên nhân của việc thịt lợn tăng giá được cho là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Loại dịch này đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Do nguy cơ dịch có thể trở lại nên người chăn nuôi đã không dám tái đàn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước.
Những ngày qua, để ứng phó với mặt hàng thiết yếu là thịt lợn tăng cao, người tiêu dùng ở các địa phương đã chủ động chuyển sang sử dụng những thực phẩm khác. Theo khảo sát tại một số chợ, không ít tiểu thương bán thịt lợn than phiền hàng ế ẩm vì giá lợn quá cao khiến người dân “quay lưng” với thịt lợn. Thời gian này, nhiều người thay vì sử dụng thịt lợn cho các bữa ăn, họ lựa chọn các loại thực phẩm khác thay thế với giá cả có thể rẻ hơn, như: Thịt gà, vịt, ngan, cá, tôm, một số loại thủy hải sản, trứng...
Nếu đúng theo tính toán của các ngành chức năng, sản lượng thịt lợn trong nước thiếu hụt khoảng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018 và nhu cầu thịt lợn trong nước dịp cuối năm vẫn trong tầm kiểm soát thì việc giá thịt lợn tăng cao vào thời điểm này cần phải được kiểm soát ngay. Bởi nếu để kéo dài tình trạng tăng giá, người dân sẽ “quay lưng” lại với thịt lợn, chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác, khi đó, nguồn cung lại quá nhiều mà người tiêu dùng không mặn mà thì khả năng “vỡ trận” thị trường thịt lợn là rất cao. Đặc biệt là đối với nhiều doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã chăn nuôi lớn đang chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho dịp Tết Nguyên đán, nếu không tiêu thụ, xuất bán được, chắc hẳn không khác gì như ngồi trên đống lửa.
Có lẽ, để giải quyết ngay vấn đề “sốt giá” thịt lợn, các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương đưa ra giải pháp nhằm ổn định cung – cầu của mặt hàng thiết yếu này, cần tính toán nhu cầu cho từng tháng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nếu thiếu cần nhập khẩu thêm từ nước ngoài, để hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng trong lưu thông, phân phối. Nhất là nước ta đã gia nhập Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có việc ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu thì việc nhập khẩu thịt lợn ở những quốc gia này là vô cùng thuận lợi. Cùng với đó, việc tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh cũng cần được tính toán sớm để các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu của người dân lâu dài.
Tin tưởng rằng, với những giải pháp phù hợp, căn cơ, sát với thực tế, kịp thời, giá thịt lợn sẽ sớm được kiểm soát, bình ổn, để người tiêu dùng trong cả nước có thể yên tâm vào thị trường hàng tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Thái Bình
Ý kiến ()