Sớm khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân
Do không bố trí đủ vốn, Dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư phải tạm đình hoãn, giãn tiến độ từ năm 2011. Sau nhiều năm dự án bị “treo" kéo theo công tác giải phóng mặt bằng dở dang, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-BGTVT ngày 24/7/2008. Dự án có chiều dài 131km, tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng. Tại Quảng Ninh, theo thống kê có gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua.
Để thực hiện Tiểu dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các quyết định thu hồi và giao đất cho UBND các địa phương để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long của Cục Đường sắt Việt Nam. Trong đó, TP Hạ Long 721 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, đã phê duyệt phương án đối với 615/721 hộ với tổng giá trị phê duyệt là 96,94 tỷ đồng, đã chi trả cho 157/615 hộ với 32,966 tỷ đồng. TP Uông Bí có tổng số 1.075 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, đã kiểm đếm 811 hộ, tổ chức; chưa kiểm đếm 264 hộ, tổ chức. Đã phê duyệt phương án 256 hộ, 2 tổ chức với tổng kinh phí 66.952.941.000 đồng. TX Đông Triều đã kiểm đếm đất và tài sản trên diện tích của 1.186 hộ gia đình, tổ chức; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 950 hộ gia đình, tổ chức với tổng kinh phí 26,731 tỷ đồng, đã chi trả tiền bồi thường cho 902 hộ gia đình, tổ chức với số tiền là 22,504 tỷ đồng.
Do không bố trí đủ vốn, Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã tạm dừng triển khai theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Việc dự án bị đình hoãn đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường.
Trước kiến nghị, bức xúc của người dân trong vùng dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Văn bản số 518/UBND-GT1 về việc giải quyết vướng mắc đối với Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long gửi Bộ Giao thông - Vận tải để sớm có phương án đối với dự án này. Trong đó nhấn mạnh, việc sớm tái khởi động dự án sẽ góp phần giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng công trình đối với các hộ dân có diện tích nằm trong phạm vi thực hiện dự án, giúp người dân sớm được bồi thường giải phóng mặt bằng ổn định đời sống, tránh kiến nghị, khiếu kiện kéo dài, đồng thời để dần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh trong khu vực có tuyến đường sắt đi qua.
UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để giải quyết dứt điểm các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp dự án chưa được sớm khởi động lại, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư để có cơ sở thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất trên dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.
Cũng liên quan đến Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung quan trọng trong kết luận là Bộ Chính trị xác định tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội - Hạ Long, trong đó có tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân. Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân được khởi động lại và hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua. Với Quảng Ninh sẽ giúp đa dạng hóa các hình thức vận tải trong khu vực, hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, tạo thêm nhiều cơ hội mới cho thông thương hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ý kiến ()