Bình Liêu: Sôi động các lễ hội, hoạt động vui xuân
Hòa trong không khí xuân đang về trên khắp bản làng miền biên viễn, Bình Liêu sẽ tổ chức nhiều lễ hội xuân, các hoạt động văn nghệ, thể thao... phục vụ nhân dân và du khách gần xa.
"Để tạo không khí, không gian trải nghiệm Tết, huyện sẽ tổ chức đa dạng các lễ hội xuân, các hoạt động vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện, ở các thôn khe bản... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui xuân của bà con và cũng là điểm đến hấp dẫn cho hành trình du xuân của du khách" - ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết.
Về Bình Liêu ngay từ tháng Chạp, du khách đã cảm nhận được không khí Tết đang cận kề bên từng nếp nhà của người Dao, trên những cành đào đá nở sớm. Có lẽ điều mà nhiều du khách thích thú tìm hiểu, hoà mình vào nhất là Tết của người Dao, một lễ hội, nét văn hoá đặc sắc ở Bình Liêu. Người Dao ở đây ăn Tết từ 15 tháng Chạp cho tới 15 tháng Giêng của năm mới. Trong suốt một tháng Tết, người Dao luân phiên ăn Tết từng hộ gia đình trong họ. Rộn ràng nhất là từ 20 tháng Chạp tới rằm tháng Giêng. Không khí Tết, màu sắc Tết sẽ rộn ràng khắp ngõ xóm, làng bản của người Dao.
Mỗi cộng đồng dân tộc ở Bình Liêu đều có phong tục đón năm mới riêng. Đây chính là mảnh ghép để làm nên bức tranh văn hóa Tết cổ truyền đặc sắc nơi miền biên viễn. Người Tày tại Bình Liêu thường tổ chức nghi lễ Then để cầu phúc, cầu an vào dịp đầu năm và lễ tạ vào dịp cuối năm. Ngoài thưởng thức không gian đậm chất văn hoá truyền thống, người dân và du khách còn có cơ hội tham gia những trò chơi dân gian... được tổ chức ở quy mô cấp thôn, cấp xã.
Tết đến xuân về cũng là thời điểm mà Bình Liêu tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội lớn nhất và được mong đợi nhất là Lễ hội đình Lục Nà, tổ chức thường niên từ 15-17 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội nổi bật với nghi lễ rước sắc phong, lễ tế thần... và nhiều hoạt động văn hoá, thể thao dân tộc. Du khách có thể hoà mình vào các trò chơi tung còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay... hoặc thưởng thức những làn điệu then trong trẻo cùng tiếng đàn tính ngọt ngào giữa núi rừng.
Tiếp theo, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ tổ chức thường niên vào 16/3 âm lịch. Lễ hội sẽ tái hiện một số trò chơi dân gian và nghi lễ tâm linh. Nơi đây, du khách có thể hoà mình vào các chương trình văn nghệ hát giao duyên, lễ cầu may của người Sán Chỉ... Điểm mới của lễ hội năm nay là có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi động, hoạt động tôn vinh cây dong riềng, miến dong gắn với hoạt động tham quan thác Khe Vằn, đỉnh Cao Ly...
Không những thế, năm nay là dịp đặc biệt khi Lễ hội Kiêng gió sẽ được tổ chức vào dịp 30/4-1/5 gắn với lễ công bố tục kiêng gió người Dao Thanh Phán là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội là dịp du khách thưởng thức các tiết mục hát Pả dung, trích đoạn đám cưới người Dao Thanh Phán, trích lễ cấp sắc của người Dao, múa, hát Then… của đồng bào các dân tộc Bình Liêu.
Dịp Tết Nguyên đán 2025 năm nay, Bình Liêu đã công bố và sẽ tổ chức khoảng 30 hoạt động văn hoá, thể thao đặc đắc ở khắp 7 xã, thị trấn của huyện. Các hoạt động này sẽ trải dài từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025. Đặc biệt, huyện sẽ khôi phục và tổ chức Lễ hội đình Vô Ngại trong 2 ngày 5-6 tháng Giêng.
Được biết, để phục vụ du khách du xuân trảy hội, du lịch xuyên Tết, Bình Liêu cũng đã vận động, khuyến khích mở, duy trì các dịch vụ ăn uống, lưu trú trong dịp Tết. Hiện nay, huyện đã công bố danh sách 14 cơ sở lưu trú là khách sạn, nhà nghỉ, homestay và 6 nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách xuyên Tết.
Vậy là, xuân này về Bình Liêu, du khách sẽ được du ngoạn xuyên Tết, trải nghiệm không khí tưng bừng, rộn ràng của lễ hội, thưởng lãm thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của thác Khe Vằn, ruộng bậc thang, những cung đường biên giới uốn lượn và thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc của đồng bào.
Ý kiến ()