Giáo dục ý nghĩa Tết cổ truyền cho học sinh
Nhiều trường học trong tỉnh tổ chức các hoạt động để học sinh tìm hiểu, trải nghiệm Tết cổ truyền của dân tộc; từ đó thêm tự hào, yêu quê hương, đất nước.
Trong 2 ngày (18, 19/1), Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long) tổ chức chương trình ngoại khóa “Xuân gắn kết - Tết yêu thương”, tái hiện không gian, phong tục, không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Các học sinh được tự tay gói bánh chưng, hóa thân thành ông đồ viết thư pháp, tổ chức các gian hàng tái hiện hội chợ quê ngày Tết, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Lý Thu Phương (học sinh Lớp 12A3, Trường THCS&THPT Quảng La, TP Hạ Long), cho biết: "Em rất vui khi được tham gia chương trình đón Tết của nhà trường. Chúng em đã tự tay gói những chiếc bánh chưng xinh xắn, trang trí cây nêu, viết câu đối. Tết cổ truyền của dân tộc rất thiêng liêng, bởi sau một năm lao động, học tập, gia đình, bạn bè được nghỉ ngơi, sum họp, cùng tham gia các hoạt động gắn kết nhau. Được trải nghiệm chương trình ngoại khóa nhà trường tổ chức đã giúp em thêm hiểu và thêm yêu Tết Việt”.
Cô giáo Lê Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quảng La, cho biết: "Chương trình ngoại khóa "Xuân gắn kết - Tết yêu thương" đã mang đến sự vui tươi, phấn khởi cho thầy và trò, phụ huynh học sinh nhà trường. Tại chương trình, nhà trường phối hợp với Ban đại diện phụ huynh nhà trường tặng 32 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để lan tỏa yêu thương dịp Tết đến, Xuân về”.
Ngày 20/1, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Hạ Long) tổ chức Ngày hội STEM với chủ đề "Hạ Long vươn mình trong kỷ nguyên mới". Điểm nhấn của Ngày hội STEM là các hoạt động trải nghiệm được thiết kế phù hợp với từng khối lớp, nhất là không gian Tết Việt. Có mặt tại Trường, chúng tôi được hòa mình vào không khí Tết Việt thông qua không gian trưng bày, trang trí với nhiều sắc màu, sự thân thuộc tái hiện Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trên sân trường càng thêm rực rỡ, tràn ngập sắc xuân khi thầy và trò nhà trường diện trang phục áo dài truyền thống, trang phục của dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán. Thầy, trò nhà trường cùng tham gia hoạt động gói bánh chưng, làm hoa mai, hoa đào, trang trí mâm ngũ quả, các trò chơi dân gian... Không gian tìm hiểu văn hóa Quảng Ninh, nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc tái hiện ngay trong trường học đã giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, nét đẹp Tết truyền thống dân tộc. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng tích cực của thầy cô, học sinh, phụ huynh học sinh. Bùi Hạnh Ngân (học sinh Lớp 1A2, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) cho biết: “Hôm nay em rất vui được cùng các bạn, cô giáo tham gia múa hát. Các cô hướng dẫn chúng em gói bánh chưng. Em mong năm nào chúng em cũng được tham gia các hoạt động vui như thế này”.
Cô giáo Mai Thị Mận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, cho biết: “Tại chương trình, không gian văn hóa được tái hiện để giáo dục cho học sinh về nét đẹp truyền thống, văn hóa Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Được trải nghiệm những hoạt động, ngày Tết đối với các em sẽ đẹp, thiêng liêng hơn, đầy ý nghĩa. Đây sẽ là những ký ức đẹp theo các em trong chặng đường đời, giúp các em thấm nhuần nếp sinh hoạt truyền thống của dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy qua bao đời nay”.
Trường TH,THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) vừa tổ chức Hội chợ Xuân Văn Lang lần thứ V. Hội chợ diễn ra trong không khí rộn ràng và tràn đầy sắc xuân, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Đây là sự kiện ý nghĩa với nhiều hoạt động phong phú, kết nối và lan tỏa tinh thần cộng đồng. Trong đó có nhiều gian hàng độc đáo với đa dạng sản phẩm, từ ẩm thực truyền thống, đồ thủ công mỹ nghệ đến những món quà xuân ý nghĩa. Đặc biệt, đêm hội sôi động diễn ra bên ngọn lửa trại ấm áp, mọi người cùng ca hát, nhảy múa, sẻ chia niềm vui; hòa mình vào không khí văn nghệ đường phố cùng các trò chơi dân gian: Nhảy sạp, ném còn, thi nhảy dây tập thể... đã mang lại những khoảnh khắc vui vẻ và đầy ắp tiếng cười. Nhân dịp này, Công đoàn nhà trường tổ chức hoạt động quyên góp, lan tỏa tình yêu thương và hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, góp phần làm nên một mùa xuân trọn vẹn ý nghĩa.
Những ngày này, nhiều trường học từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, xa của tỉnh tổ chức các chương trình ngoại khóa giáo dục học sinh về những nét văn hóa truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam phù hợp với từng cấp học, vùng miền, đa dạng về nội dung, hình thức. Trong đó, học sinh mầm non, tiểu học được tham gia phiên chợ quê, nhận biết nguyên liệu làm bánh chưng, các loại bánh đặc trưng của mỗi vùng miền, học những câu chúc Tết ông bà, cha mẹ; học sinh THCS, THPT được trải nghiệm thi gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, tham gia những trò chơi dân gian… Những hoạt động ý nghĩ này góp phần khơi dậy trách nhiệm, vai trò của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Ý kiến ()