
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2025: Sinh viên và trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Dưới tác động của chuyển đổi số, sinh viên dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc lịch sử, chống phá nền tảng tư tưởng, gây lệch lạc nhận thức trong giới trẻ. Do đó, cần nâng cao nhận thức chính trị, kỹ năng số, ý thức pháp luật và phát huy vai trò định hướng thông tin của tổ chức Đoàn - Hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong môi trường mạng hiện nay.
Trách nhiệm của sinh viên
Trong kỷ nguyên số hóa toàn diện và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội đang ngày càng chiếm lĩnh không gian giao tiếp, học tập, giải trí và thể hiện bản thân của giới trẻ. Sinh viên - lực lượng năng động, sáng tạo và dễ thích nghi với cái mới - đồng thời cũng là nhóm chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những thông tin đa chiều, trong đó không ít nội dung sai lệch, phản cảm, thậm chí có mục đích chống phá. Trước tình hình đó, việc định hướng sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật không chỉ nhằm trang bị kỹ năng sống thiết yếu cho sinh viên, mà còn là yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ gìn an ninh tư tưởng và văn hóa trong thời đại số.
Điều đáng ghi nhận là mạng xã hội đã và đang trở thành kênh hỗ trợ đắc lực cho sinh viên trong học tập, tìm kiếm học bổng, rèn luyện kỹ năng mềm, truyền cảm hứng khởi nghiệp cũng như lan tỏa giá trị văn hóa tích cực. Nhiều sinh viên còn sử dụng nền tảng số để quảng bá hình ảnh quê hương, tham gia hoạt động tình nguyện, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo, linh hoạt. Những hoạt động ấy phần nào cho thấy sinh viên không chỉ là người tiếp nhận thông tin, mà còn là chủ thể kiến tạo, truyền thông, góp phần vào quá trình bảo vệ tư tưởng cách mạng trên không gian mạng.

Tuy nhiên, song song với những mặt tích cực, sinh viên cũng đối mặt với không ít nguy cơ tiềm ẩn nếu thiếu bản lĩnh chính trị và kỹ năng nhận diện thông tin. Nhiều sinh viên do chưa được trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ đã vô tình chia sẻ, bình luận, phát tán các nội dung vi phạm pháp luật hoặc mang thông tin sai sự thật.
Đáng lo ngại hơn, có những trường hợp sinh viên bị dụ dỗ tham gia các nhóm kín, diễn đàn có tư tưởng phản động dưới vỏ bọc học thuật hoặc hoạt động xã hội. Sự thiếu hụt kỹ năng phân tích, phản biện và nhận diện thông tin khiến các bạn trẻ dễ bị tác động tâm lý, bị tiêm nhiễm những quan điểm sai lệch về chính trị, lịch sử, thậm chí có biểu hiện chống đối, phê phán cực đoan, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và xã hội. Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch trong âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại sự đồng thuận xã hội và niềm tin của thế hệ trẻ vào con đường phát triển của đất nước.
Không gian mạng hiện nay đã trở thành mặt trận quan trọng, nơi diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng, nơi mà các thế lực phản động ráo riết đẩy mạnh việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tâm lý chống đối và chia rẽ nội bộ. Sinh viên - với đặc trưng là trí thức trẻ, nhạy bén với xu hướng, nhưng còn non nớt trong nhận thức chính trị - chính là nhóm đối tượng mà các thế lực phản động tập trung lôi kéo. Họ dùng các kỹ thuật truyền thông số để che đậy thông tin phản động bằng hình thức “nhẹ nhàng” như thảo luận học thuật, phản biện xã hội, khai phóng tư tưởng. Nếu không cảnh giác, sinh viên có thể bị cuốn vào vòng xoáy nghi ngờ, hoài nghi thể chế và mất phương hướng tư tưởng.
Trong bối cảnh đó, trước hết, sinh viên cần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, củng cố niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó có khả năng miễn nhiễm trước các chiêu trò kích động, chia rẽ, phủ nhận lịch sử. Mỗi sinh viên cần nâng cao hiểu biết pháp luật, đặc biệt là Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Báo chí…, hình thành thói quen sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, sinh viên cần chủ động tham gia lan tỏa các thông điệp tích cực, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn của dân tộc thông qua các hình thức nội dung số sáng tạo như: video, infographics, bài viết blog, podcast… Khi tích cực kể những câu chuyện về con người Việt Nam, về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và thành quả cách mạng, sinh viên đã góp phần trực tiếp xây dựng “lá chắn mềm” trên không gian mạng, đẩy lùi các thông tin xấu độc bằng sức mạnh của niềm tin và tri thức.
Vững vàng trên “trận địa số”
Tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, hầu hết sinh viên sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, Zalo hoặc YouTube. Không gian mạng đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống học đường. Thống kê nội bộ cho thấy, trung bình mỗi sinh viên dành từ 4 đến 6 giờ mỗi ngày cho các hoạt động trên mạng xã hội. Ngoài mục đích giải trí, các em còn tham gia học tập qua nhóm trực tuyến, kết nối thầy cô, bạn bè, cập nhật thông tin và chia sẻ cảm nhận cá nhân. Những mô hình truyền thông tích cực bước đầu đã hình thành.
Từ thực tiễn hoạt động giáo dục, đào tạo và quản lý sinh viên trong nhiều năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh nhận thức rõ vai trò then chốt của sinh viên trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Để tiếp tục phát huy vai trò đó một cách hiệu quả, nhà trường xác định cần triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính hệ thống, lâu dài, gắn với đặc thù đào tạo và tâm lý của sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số.
Trước hết, việc tăng cường giáo dục chính trị, pháp luật và kỹ năng số cho sinh viên được xác định là giải pháp nền tảng. Trong thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tọa đàm và hội thảo chuyên đề về an ninh mạng, kỹ năng ứng xử trên không gian số, nhận diện thông tin sai lệch và hiểu biết pháp luật về mạng xã hội. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp sinh viên chủ động phòng tránh các chiêu trò tuyên truyền chống phá, không bị cuốn theo các luận điệu lệch lạc. Trên cơ sở đó, nhà trường đang từng bước đưa nội dung giáo dục pháp luật và văn hóa mạng vào các hoạt động ngoại khóa và định hướng tích hợp vào chương trình đào tạo chính khóa nhằm tạo nền tảng nhận thức bền vững cho người học.

Cùng với đó, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tiếp tục được phát huy như lực lượng tiên phong trong định hướng tư tưởng và hành động của sinh viên trên mạng xã hội. Những năm gần đây, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, từ các cuộc thi sáng tạo nội dung số về chủ đề quê hương - đất nước, các buổi tọa đàm về an toàn thông tin mạng, đến việc hình thành các nhóm sinh viên truyền thông tích cực. Đặc biệt, mô hình các nhóm “phản ứng nhanh” trên Facebook và Zalo đã phát huy hiệu quả trong việc lan tỏa thông tin chính thống, phản bác kịp thời các nội dung sai trái. Nhiều sinh viên có ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội được khuyến khích trở thành “đại sứ truyền thông”; đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa thông điệp tích cực, góp phần tạo dựng văn hóa ứng xử văn minh, chống lại các biểu hiện lệch chuẩn, phản cảm trên không gian mạng.

Một điểm nhấn quan trọng trong kinh nghiệm thực tiễn của nhà trường là sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan chuyên môn và chuyên gia bên ngoài. Trong thời gian qua, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo- Dân vận Tỉnh uỷ, các giảng viên luật, nhà báo và chuyên gia công nghệ để tổ chức các buổi tọa đàm, chuyên đề về nhận diện tin giả, kỹ năng kiểm chứng thông tin và sử dụng mạng xã hội an toàn.
Qua các buổi sinh hoạt này, sinh viên được hướng dẫn sử dụng các công cụ kỹ thuật như: Google Reverse Image để kiểm tra nguồn gốc hình ảnh, phát hiện ảnh cắt ghép, bịa đặt; đồng thời được thực hành tra cứu thông tin trên Cổng thông tin chống tin giả quốc gia tại địa chỉ https://tingia.gov.vn. Việc cung cấp công cụ, kiến thức thực tiễn và tình huống cụ thể đã giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với thực tiễn đời sống truyền thông số, từ đó hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ bạn bè cùng sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật.
Có thể khẳng định, những kinh nghiệm thực tiễn nói trên không chỉ giúp sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh trở thành những “người dùng thông minh” trên không gian mạng, mà còn từng bước hình thành lực lượng “chiến sĩ áo trắng” - những người trẻ mang trong mình lý tưởng cách mạng, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số. Mỗi hành động nhỏ trên không gian mạng - từ một bài viết, một hình ảnh, một lượt chia sẻ - đều trở thành viên gạch xây dựng nên môi trường số lành mạnh, tích cực và nhân văn. Tiếng nói của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh không chỉ vang lên trong giảng đường, mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong không gian mạng, như một tuyên ngôn đầy bản lĩnh của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước trong thời đại mới.
Ý kiến ()