20
18
/
1101113
Rộn ràng hội xuân
longform
Rộn ràng hội xuân

Cover

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Đến Quảng Ninh xuân này, du khách có thể hoà mình vào những lễ hội truyền thống đầy ắp sắc màu văn hoá với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, các trò chơi dân gian đặc sắc...

Cover

MÙA XUÂN ĐẾN VỚI CÁC ĐÌNH, CHÙA CỦA ĐÔNG TRIỀU HAY ĐƯỢC NGHE NHỮNG LÀN ĐIỆU CHÈO MƯỢT MÀ, SAY ĐẮM LÒNG NGƯỜI. TIẾNG CHÈO GỢI LẠI KHÔNG KHÍ LÀNG QUÊ DÂN DÃ CÙNG NHỮNG CHIẾU CHÈO XƯA TRÊN SÂN ĐÌNH VỚI BIẾT BAO NHUNG NHỚ KHÔN NGUÔI...
 

Ảnh trong văn bản

Chèo dân dã mà đằm thắm, sâu sắc, như mạch nguồn chảy mãi trong lòng mỗi người dân Việt tha thiết với quê hương. Vậy nên, mặc dù giờ đây có nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí mới, nhưng chèo vẫn sống bền bỉ ở nhiều làng quê, đặc biệt là tại Đông Triều, nơi được xem là một cái nôi của nghệ thuật chèo ở Quảng Ninh.

Sở dĩ vậy vì ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, ở Đông Triều đã xuất hiện nhiều đội chèo khá bài bản, quy mô ở các xã, thị trấn, như: Thủy An, Bình Dương, Hưng Đạo, Đức Chính, Đông Triều, Hoàng Quế, Yên Đức... Không gian biểu diễn thường ở sân đình, sân chùa và sân khấu chèo chỉ là chiếc chiếu trải giữa sân, giữa khán giả và diễn viên không có khoảng cách. Đạo cụ chèo đơn giản là những vật dụng hết sức giản dị, gần gũi trong đời sống thường nhật của bà con, như hòm đồ, mái chèo, chiếc gậy, cái quạt giấy...

Ảnh với chú thích

Nghệ nhân chèo Nguyễn Thị Kim Môn hướng dẫn các thành viên trong CLB Dân ca chèo TX Đông Triều. Ảnh: Hùng Sơn

Các đội chèo này không chỉ biểu diễn phục vụ ở làng quê mình, mà còn tham gia các sân chơi lớn hơn của Đông Triều và các hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh với không ít giải cao. Sau này, do những yếu tố khác nhau, cùng với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng có phần lắng xuống, đến năm 1995 mới lại dần được khôi phục.

Cùng với các thế hệ nghệ nhân đam mê việc truyền dạy chèo, Đông Triều đã tổ chức liên tục trong nhiều năm những lớp học hát chèo cho hàng trăm học viên từ các thôn, khu phố trở lên, giúp họ từ hát theo bản năng chuyển sang biết hát và biểu diễn “chuẩn chèo”, trở thành nòng cốt, là cầu nối tiếp tục mang chèo đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vì thế đến nay các làng, khu phố văn hóa trên địa bàn thị xã có ít nhất 1 CLB hát dân ca hoặc đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập, biểu diễn cả dân ca, chèo và một số thể loại khác.

Ảnh với chú thích

Chương trình giao lưu các làn điệu chèo tại Lễ hội Xuân Ngọa Vân là một sân chơi cho những người yêu chèo trên địa bàn.

Bên cạnh đó có 12 CLB hát chèo với 244 thành viên, lớn nhất là CLB Dân ca chèo TX Đông Triều với 60 thành viên. Các CLB này thường xuyên duy trì tập luyện những làn điệu chèo (hát lời cổ, lời mới), một số tiết mục chèo tự biên tự diễn có nội dung ca ngợi con người, quê hương, đất nước... Không chỉ tham gia giao lưu trình diễn các làn điệu chèo rộng rãi ở địa phương, các đội, CLB còn biểu diễn chèo trong dịp lễ hội của làng, khu phố, giao lưu với các huyện, thị xã bạn vào những dịp kỷ niệm, liên hoan, khánh thành, chào mừng ngày lễ, các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương, đất nước...

Ảnh trong văn bản

Ảnh với chú thích
Ảnh với chú thích

Chèo và các loại hình dân ca từng bước được đưa vào các khu du lịch của Đông Triều, tạo thêm sức hút với du khách.

Việc đưa nghệ thuật chèo vào phục vụ hoạt động du lịch ở Đông Triều không chỉ lồng ghép vào du lịch tâm linh tại đền An Sinh và chùa Ngoạ Vân như kể trên, mà còn tạo thêm sức hút cho các khu du lịch đồng quê trải nghiệm tại Quảng Ninh Gate và Yên Đức. Du khách đến Quảng Ninh Gate, bên cạnh được tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch như chợ quê, xem múa rối nước, trải nghiệm phòng tranh 3D, công viên nước..., còn được thưởng thức các tiết mục hát chèo ngay tại khu vực chợ quê. Điểm du lịch làng quê Yên Đức, du khách được thưởng thức các tiết mục múa rối nước, các diễn viên chèo thuyền hát quan họ, hát chèo; buổi tối, du khách được tham gia các lớp học hát chèo do Công ty CP Du lịch làng quê Yên Đức tổ chức cho các nhân viên của đơn vị...

Thực tế vẫn còn những gian nan khi mà đại dịch Covid-19 qua đi còn ảnh hưởng dai dẳng tới du lịch của Đông Triều; vẫn còn muôn vàn khó khăn khi các đội, các nghệ nhân chèo của thị xã đến và gắn bó với chèo chỉ nhờ tình yêu và đam mê... Dù vậy, như dòng sông lặng lẽ bồi đắp phù sa cho bờ bãi ruộng đồng, chèo vẫn tựa một mạch nguồn bền bỉ chảy mãi trong đời sống người dân quê lúa. Mùa xuân này về với Đông Triều, tiếng hát, tiếng trống chèo trong các lễ hội vẫn văng vẳng, thôi thúc bước chân bao người con đi xa tìm về với quê hương, nguồn cội.

Cover

MỖI MÙA XUÂN VỀ, NGƯỜI DÂN HÀ NAM (TX QUẢNG YÊN) QUÊ TÔI LẠI ĐƯỢC HÒA MÌNH VÀO KHÔNG KHÍ TƯNG BỪNG CỦA LỄ HỘI TIÊN CÔNG ĐỂ THAM GIA VÀO CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN NHƯ ĐÁNH ĐU, CHỌI GÀ, ĐẬP NIÊU ĐẤT..., ĐẶC BIỆT LÀ ĐƯỢC THAM GIA VÀO NGHI THỨC RƯỚC CỤ THƯỢNG, “LINH HỒN” CỦA LỄ HỘI TIÊN CÔNG. ĐÂY LÀ MỘT NÉT ĐẸP RIÊNG CÓ CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG ĐẢO HÀ NAM, THỂ HIỆN TRUYỀN THỐNG KÍNH LÃO ĐẮC THỌ, SỰ NGƯỠNG VỌNG, TÔN VINH CÁC VỊ TIÊN CÔNG, MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA CƯ DÂN VÙNG CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG.

Ảnh với chú thích

Quang cảnh một đoàn rước cụ Thượng lên miếu Tiên Công. Ảnh: Đình Dũng (CTV)

Là một người con của mảnh đất Quảng Yên, ngay từ nhỏ mỗi khi Tết đến, Xuân về, lũ trẻ chúng tôi luôn háo hức chờ đợi Lễ hội Tiên Công. Lễ hội diễn từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng. Tuy nhiên, với dân đảo Hà Nam không khí lễ hội đến sớm hơn. Từ tháng Chạp năm trước, các gia đình có cụ ông, cụ bà chuẩn bị bước vào độ tuổi 80, 90, 100… (còn gọi là cụ Thượng) đều đã rộn ràng họp bàn tổ chức, mời họ hàng, người thân đến dự lễ thượng thọ được tổ chức vào dịp lễ hội.

Ăn Tết xong, các con cháu những dòng họ Tiên Công sẽ tổ chức lễ “Ra cỗ họ” (tên gọi khác là “Lễ tế Tổ”) vào mùng 4 Tết. Đây là nghi lễ lớn nhất, diễn ra tại từ đường thờ tổ tiên. Vào ngày này, các gia đình có cụ ông, cụ bà đến tuổi thượng thọ sẽ chuẩn bị lễ vật để dâng lên kính báo với Tiên Công và tổ tiên đã ban phúc lành để người già lên được chiếu thọ. Đồng thời để kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ nào được thượng thọ và mời bà con trong họ đến dự lễ mừng thọ.

Các gia đình có cụ Thượng thường dựng rạp vào khoảng mùng 5, mùng 6, trang trí bàn thờ, nhà cửa, treo đại tự, câu đối chúc thọ cụ Thượng và gia đình, bày án gian ngũ quả, chuẩn bị cỗ mời họ hàng thân tộc, làng xóm ăn uống… Các gia đình còn làm các loại bánh truyền thống, như bánh trưng, bánh dày, bánh gio, bánh ngọt… Lũ trẻ chúng tôi thích nhất là ngồi cạnh cối bánh dày, nhìn những bậc cha chú thay nhau giã bánh, xếp hàng chờ đến lượt được cho một chiếc bánh dày nhỏ trong phần thừa của các mẻ bánh. Chiếc bánh thơm mùi nếp mới, trắng tinh trên nền xanh của lá chuối, nhỏ xinh vừa đúng lòng bàn tay chính là những kỷ niệm theo chúng tôi khi trưởng thành.

Ảnh với chú thích

Lễ tạ của các cụ Thượng thọ tại miếu Tiên Công.

Vui nhất trong các gia đình có cụ Thượng là mùng 6 tháng Giêng, con cháu, họ hàng, xóm láng, bằng hữu... đến mừng các cụ. Nếu người thân, quen tặng quà, dâng lễ, thì các con kính cẩn tung hô, chắp tay quỳ lạy. Cho nên quê tôi có câu “Một lễ sống bằng một đống lễ chết” là thế. Những năm gần đây nhiều gia đình đã bỏ lễ sống, nhưng nghi thức chia lộc thì vẫn giữ nguyên. Trong nghi thức này, các ông, bà thượng thọ sẽ thưởng phong bao đỏ, hàm ý ban thọ cho con cháu. Khách đến chơi thời điểm này cũng được tặng phong bao đỏ hoặc được mời chén rượu lấy lộc, lấy may đầu xuân.

Sáng mùng 7 tháng Giêng các gia đình tổ chức lễ rước cụ Thượng lên miếu Tiên Công. Đám rước được chuẩn bị từ rất sớm, xuất phát từ gia đình. Hiện một số dòng họ lớn trong vùng đã tổ chức rước chung, lúc này công việc tổ chức được toàn bộ chức sắc trong họ lãnh đạo tổ chức đoàn rước, đoàn rước bắt đầu từ nhà thờ tổ dòng họ đó.

Đám rước có con, cháu cầm cờ ngũ sắc, hàng bát bửu sơn son thiếp vàng, khiêng tấm bảng chữ Thọ, có đội nhạc với trống lệnh và dàn nhạc bát âm. Đi sau là các mâm lễ vật có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, hương án có kết hoa và kết hình long mã. Rồi đến võng đào của các cụ Thượng, các cụ Thượng thường mặc áo the khăn xếp màu vàng hoặc xanh da trời, bên cạnh là võng đào có lọng che. Các cụ khỏe mạnh sẽ đi bộ bên cạnh võng cùng đoàn rước, các cụ già yếu ngồi trên võng đào để con, cháu khiêng. Dòng họ nào có cụ Thượng 100 tuổi thì rước bằng kiệu. Phía sau các cụ là con cháu, họ hàng thân thích. Người dân đi tham gia lễ hội hòa mình vào các đoàn rước, tạo nên không khí nhộn nhịp vui tươi và hoành tráng cho đoàn rước; mỗi đoàn rước thường kéo dài cả vài trăm mét.

Ảnh với chú thích

Chơi đánh đu trong Lễ hội Tiên Công. Ảnh: Phạm Tăng

Vào chính Ngọ, các cụ Thượng đã đến đủ trong nhà bái đường bàn thờ các vị Tiên Công. Đến đầu giờ chiều thì đội tế thực hiện các nghi thức tế lễ chính. Đội tế chính này do ban tổ chức lập ra từ trước với khoảng 20 người (đội tế trước đây thường là nam, năm 2010 lần đầu tiên chọn đội tế là nữ). Ngày nay, do số lượng cụ Thượng ngày càng đông, số lượng con, cháu trong gia đình lớn, nên việc tế cùng giờ sẽ gây ách tắc, vì vậy việc tế lễ diễn ra song hành với phần hội, gia đình nào đưa cụ Thượng đến trước sẽ tế trước, sau đó sẽ đưa rước cụ Thượng về gia đình, cứ lần lượt như thế cho đến hết hội. Sau khi đội tế thực hiện các nghi lễ tế xong, các cụ Thượng vào miếu dâng lễ vật và tế Tiên Công trong không khí trang trọng và thành kính.

Trước đây, sau phần tế lễ sẽ đến lễ động thổ, 4 cụ Thượng khỏe mạnh được tuyển chọn từ trước sẽ bê 4 hòn đất vuông (cũng được chuẩn bị từ trước) đặt trước bàn thờ Tiên Công, sau đó diễn trò đánh vật nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng của các Tiên Công. Nhưng hiện nay nghi thức này không còn.

Quanh khu vực miếu Tiên Công, Ban Tổ chức Lễ hội dựng sân khấu để tổ chức văn nghệ với các tiết mục, như hát quan họ, hát đúm... Trong đó, hát đúm là cách hát đối nhau giữa một tốp nam và một tốp nữ do những nghệ sĩ là con em trong xã biểu diễn. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian truyền thống của dân đảo Hà Nam. Ngoài ra, người tham dự Lễ hội còn được tham gia các trò chơi dân gian, như đánh đu, kéo co, cờ người…

Mỗi độ xuân về, các xã đảo Hà Nam lại rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc bát âm cùng cờ ngũ sắc để mừng thọ các bậc cao niên. Đây không chỉ là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, những người đầu tiên quai đê lập làng, mà còn là dịp con cháu báo hiếu cha mẹ, cũng là hoạt động để các thế hệ trẻ dung dưỡng tâm hồn; thêm hiểu và thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại để cùng nhau gìn giữ, trao truyền mãi mãi về sau...

 

Cover

BẢN CỦA NGƯỜI SÁN CHỈ NẰM DƯỚI CHÂN DÃY THÔNG CHÂU (XÃ HÚC ĐỘNG, HUYỆN BÌNH LIÊU). NHỮNG ĐÊM TRĂNG HOẶC NGÀY MÙA ĐÃ XONG, MỌI NGƯỜI THƯỜNG HẸN NHAU HÁT SOÓNG CỌ. HÁT SOÓNG CỌ LÀ ĐỜI SỐNG TINH THẦN, TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI SÁN CHỈ. GIAI ĐIỆU RỀN RĨ, ÂM VANG NHƯ TIẾNG SUỐI, NHƯ TIẾNG GIÓ ĐẠI NGÀN. LỜI HÁT ĐƯỢC SÁNG TÁC NGAY TẠI CHỖ, TỪ VIỆC ĐỐI ĐÁP GIỮA NAM VÀ NỮ, TỪ CẢM HỨNG LÃNG MẠN NHƯNG RẤT MỘC MẠC, TỰ NHIÊN. 

Soóng Cọ có bản sắc riêng, đậm chất truyền thống. Họ hát trong lễ, Tết, trong mỗi dịp chung vui của bản làng, của gia đình và cả khi tỏ tình. Vì là hát giao duyên, nên Soóng Cọ có quy chuẩn riêng. Nam, nữ cùng huyết thống, cùng dòng họ không được hát với nhau...

Soóng Cọ hát không có nhạc. Nhạc là tiếng gió, là tiếng suối, là tiếng chim. Có chăng cũng chỉ là âm thanh theo độ cao thấp của người hát phát ra từ kèn lá của người thổi. Không nhạc sĩ nào đệm được bằng nhạc cụ khác. Không có bản phối khí nào, bởi giai điệu và câu từ Soóng Cọ nặng về diễn tả tình cảm, cảm xúc cho nỗi niềm mong chờ, hy vọng muốn có được sự yêu thương, tự do và cuộc sống bình yên, hạnh phúc...

Ảnh với chú thích

Các chàng trai, cô gái gái dân tộc Sán Chỉ hát Soóng Cọ bên dòng suối.

Soóng Cọ tập trung đông nhất là ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) và xã Đại Dực (huyện Tiên Yên). Bản làng xưa là những nương ngô, ô ruộng, nhà đất, mái ngói âm dương. Đường vào bản quanh co, dốc cao, suối sâu...Bây giờ bản đã đổi thay, cuộc sống mới như nắng ngập tràn khắp mọi nhà, thôn xóm ... Soóng Cọ đã có riêng ngày hội. Ở Húc Động tổ chức vào ngày trung tuần tháng 3 âm lịch, ở Đại Dực tổ chức vào ngày đầu tháng 10 âm lịch khi lúa đã chín vàng. Trong ngày hội, bên cạnh các hoạt động văn hóa - thể thao như thi gói bánh, thi trang phục truyền thống, thi đẩy gậy, thi kéo co, thi bóng đá nữ...., còn có hát Soóng Cọ giữa đội nam và đội nữ trên sân khấu, hoặc bên dòng suối, bên bờ ruộng bậc thang đang mùa lúa vàng.

Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc luôn được nhân dân, xã hội và các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể quan tâm, chú trọng. Các em học sinh mặc trang phục của dân tộc mình khi đến trường. Các câu lạc bộ Soóng Cọ ngày càng đông người tham gia và thường xuyên giao lưu, biểu diễn. Hình ảnh những cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng, kéo co, đẩy gậy, đánh quay... đã thu hút du khách khắp mọi miền đất nước bởi sự hấp dẫn, độc đáo, mà không nữ dân tộc khác nào có được. 

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Soóng Cọ có sức lan toả vào tâm hồn, tình cảm, cuộc sống, lao động của người dân nơi đây;là khởi nguồn sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Đã có rất nhiều những bài thơ, những ca khúc, những hình hoạ, những bức ảnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Tất cả đều ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Sán Chỉ - dân tộc có câu hát Soóng Cọ mê say lòng người. 

Cover

KHÔNG CHỈ CÓ LỄ HỘI XUỐNG ĐỒNG Ở LÀNG ĐẢO HÀ NAM (TX QUẢNG YÊN), QUẢNG NINH CÒN CÓ HỘI XUỐNG ĐỒNG CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TÀY Ở CÁC HUYỆN MIỀN NÚI. CHỈ KHÁC, NGƯỜI TÀY QUẢNG NINH XUỐNG ĐỒNG VÀO ĐẦU NĂM GỌI LÀ LỄ HỘI LỒNG TỒNG.

Lễ hội chứa đựng nhiều ý nghĩa về đời sống văn hóa tinh thần, tập quán sản xuất của dân tộc Tày diễn ra vào tháng Giêng hằng năm, tại những thửa ruộng tốt nhất, rộng nhất. Lễ hội có ý nghĩa tạ ơn trời đất, các vị thần linh; cầu xin các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm, vạn vật sinh sôi phát triển.

Một số địa phương có cộng đồng người Tày thường tổ chức Lễ hội Lồng Tồng là thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên); thôn Đồng Chức (xã Lương Mông), thôn Làng Dạ (xã Thanh Lâm), đều huyện Ba Chẽ. Trong Lễ hội có các nghi lễ đặc trưng của người dân tộc Tày là lễ “Lẩu Then”, cúng thần, lễ rước long ngai (rước thần), nghi thức tuyên chúc văn, dâng hương của các đại biểu, du khách và lễ phóng sinh... Trung tâm của Lễ hội là nghi lễ lồng tồng, gồm: Rước thần Nông và thành hoàng làng từ đình về cánh đồng.

Ảnh với chú thích

Nghi thức tịch điền tại lễ hội Lồng Tồng xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Nghi lễ xuống đồng có sự tham gia thực hiện đường cày tịch điền của lãnh đạo địa phương, nghi thức cuốc hố tra hạt của đồng bào dân tộc. Đây là sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền huyện đối với công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, cũng là sự động viên kịp thời dành cho bà con, để người dân có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Lồng Tồng một số nơi, người thực hiện nghi thức cày tịch điền là thầy cúng, bởi họ quan niệm thầy cúng là sứ giả nối giữa thần linh và cõi nhân gian. Thầy cúng làm lễ xin thần hoàng làng mở hội tạ thiên địa, thần Nông, thần Núi, thần Suối ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân trong năm ấm no, hạnh phúc. Xong lễ cầu thần, thầy cúng đánh trống khai hội, cày những đường cày đầu tiên, cũng là người cuốc đất tra hạt đầu xuân.

Điểm nhấn của Lễ hội là hoạt động thi cày, thi cấy. Lễ hội tuyển chọn 4 tay cày giỏi nhất, 4 con trâu đực đã được thuần hóa lâu và 22 tay cấy nhanh, thẳng hàng về dự thi. Phần thi cày bằng trâu cày sâu làm cho đất tơi xốp, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển. Người đứng trên bờ ruộng cùng hò reo, khua chiêng trống náo nhiệt, nhưng con trâu đã được thuần hóa lâu và quen việc nên không sợ hãi bỏ chạy. Phần thi cấy với những hàng cấy thẳng, đúng kỹ thuật, khẳng định quyết tâm của bà con “Cày sâu tốt lúa, cấy nhanh thẳng hàng, mùa màng bội thu”.

Ảnh với chú thích

Tiết mục tái hiện trích đoạn Lễ hội xuống đồng ở làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên).

Phần hội diễn ra nhiều môn thi đấu thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập trống, đi cà kheo, guốc mộc, đánh cừ v.v.. Cùng với đó là hoạt động giao hữu bóng chuyền hơi, văn nghệ, trình diễn giã bánh giày, gói bánh Tày, bánh coóc mò, bày mâm cỗ, trình diễn trang phục dân tộc... Ngoài ra, du khách còn được tham quan, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu, các sản phẩm OCOP.

Sôi động và rất có ý nghĩa trong Lễ hội là môn tung còn tại đám ruộng phẳng và rộng. Người ném còn qua vòng tròn được chúc tụng may mắn đầu năm. Mọi người đến dự Lễ hội khi trở về đều mang theo niềm vui, tin tưởng vào một năm mới ấm no.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Lễ hội Lồng Tồng là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân các dân tộc trong sự hòa hợp của trời đất và là một trong những nét văn hoá độc đáo của dân tộc Tày, góp phần làm phong phú, đa dạng các giá trị văn hoá của các dân tộc. Trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Quảng Ninh, Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là lễ hội riêng của dân tộc Tày, mà đã trở thành lễ hội chung, nơi quy tụ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Lồng Tồng là một dạng thức văn hóa nguyên hợp thể hiện và phản ánh ước muốn của cả một cộng đồng về cuộc sống tốt đẹp nhân dịp đầu xuân năm mới. Người ta đến Lễ hội không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn để giao lưu kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Thực hiện: Phan Hằng - Bảo Bình - Cấn Đình Loan - Phạm Học

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu