“...Ra giêng ta cưới nhau”
Những đôi lứa từng vượt bao thử thách của tập tục, của tuổi tác, của tiền bạc, hẹn nhau cưới hỏi ra giêng. Những đôi lứa như thế hẳn mong đợi bao nhiêu cái ngày sum vầy nọ, có sự chứng kiến của bố mẹ, ông bà, họ hàng, bè bạn, xóm láng. Vẫn biết cuộc đời rồi sẽ lắm chông gai, cái sự hợp tan khó biết đâu lường trước, hôm nay “pháo nổ đùng đùng” vẫn cứ là cái chính, cái nắm được giữa thanh thiên bạch nhật. Chao ôi là lứa tuổi của hạnh phúc, “anh nắm tay em sôi nổi vụng về”, ngày mai ngày kia ra sao hãy gác lại. “Ra giêng ta cưới nhau” cơ mà!
Vợ chồng anh bạn tôi ăn ở với nhau cũng chẵn năm mươi năm. Con cái đuề huề, hai trai một gái. Ngoài tết, anh cho đứa con gái út ở riêng. Anh bảo: “Mỗi tuổi một phận sự. Cho chúng tự lo lấy cái ăn cái ở hằng ngày. Tôi coi như tròn trách nhiệm làm bố”. Anh cười hoan hỉ, phóng xe máy đưa vợ đi Cửa Ông, đi Yên Tử lễ chùa. Đôi người bàn góp: “Anh chị thật đủ đầy mọi nhẽ. Chả bù với một số người”.
“Một số người” ở đây cũng chẳng phải xa lạ, ở cùng tổ dân với anh. Người thì vợ cái con cột, ăn ở với nhau đủ bậc bấc chì. Nhà cửa cứ xoe xoé ỏm tỏi, điếc tai hàng xóm láng giềng. Người thì dầm tiền dầm của, chê vợ già, bồ bịch với cả các cô còn kém tuổi con. Người thì đơn côi, vợ sớm lìa trần, quanh năm cúc cung tận tụy gà sống nuôi con. Vợ chồng hoá ra cũng lắm khúc khuỷu, chả ai giống ai. Có người ra đường không cả nhìn bè bạn. Cũng tình cũng cảnh, sao mọi người sống thật sung sướng, còn vợ con mình thì...
Gì thì gì, nhưng cái sự dự đám vẫn thi nhau tấp nập diễn ra. Nó diễn cùng với mùa xuân, cùng với những lời hẹn. Phải chăng “ra giêng cưới nhau” cũng là một lời hẹn tốt đẹp và ấm cúng nhường bao!
Ý kiến ()