Quảng bá văn hóa các dân tộc Quảng Ninh qua trang phục truyền thống
Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I năm 2022, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa thành công tốt đẹp. Đoàn Quảng Ninh đoạt 6 giải tại Liên hoan này. Điều đó minh chứng cho giá trị độc đáo của trang phục truyền thống các dân tộc Quảng Ninh.
Quảng Ninh tham gia Liên hoan với 3 nội dung: Trình diễn trang phục truyền thống; dệt và thêu thủ công truyền thống; trưng bày triển lãm “Sắc màu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh”. Ở nội dung trình diễn trang phục truyền thống, đoàn Quảng Ninh đã mang đến trình diễn và giới thiệu tại Liên hoan bộ trang phục bà Then của dân tộc Tày, huyện Bình Liêu; bộ trang phục truyền thống ngày thường của phụ nữ và cô dâu, chú rể dân tộc Sán Chỉ, huyện Bình Liêu; trang phục ngày thường (nam, nữ) và trang phục cô dâu, chú rể người Dao Thanh Phán của huyện Bình Liêu; bộ trang phục ngày thường (nam, nữ) của dân tộc Sán Dìu.
Ở nội dung trình diễn thêu và dệt, đoàn Quảng Ninh đã giới thiệu dệt lụa tơ tằm thủ công truyền thống của dân tộc Tày và thêu thủ công truyền thống của người Dao Thanh Phán huyện Bình Liêu. Còn ở triển lãm “Sắc màu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh”, đoàn Quảng Ninh đã lựa chọn 20 hình ảnh tiêu biểu giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh phát triển của tỉnh và các tập quán văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; trưng bày và giới thiệu 15 bộ trang phục truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh.
Kết quả, đoàn Quảng Ninh đoạt 1 giải A nội dung trình diễn trang phục của người Dao Thanh Phán; 2 giải B nội dung trình diễn trang phục của dân tộc Sán Chỉ và Sán Dìu; 1 giải C nội dung trình diễn trang phục của dân tộc Tày; 1 giải B nội dung trưng bày triển lãm; 1 giải C nội dung thêu, dệt thủ công truyền thống. Cùng với các hoạt động tại Liên hoan, đoàn Quảng Ninh còn tham dự Hội thảo khoa học về giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sở hữu các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, Bình Liêu nói riêng và các huyện miền núi nói chung đã và đang phát huy những thế mạnh này cho phát triển du lịch. Đặc biệt, vẻ đẹp đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… nơi đây đã trở thành dấu ấn khó quên đối với du khách.
Quảng Ninh cũng có nhiều dân tộc như một số tỉnh miền núi phía Bắc nhưng trang phục của một số dân tộc lại có những nét đặc trưng riêng. Như trang phục ngày cưới của cô dâu người Dao Thanh Y rất cầu kỳ, độc đáo. Đó là áo dài màu chàm hoặc đen, tay áo có miếng vải hoa văn, nẹp cổ liền với nẹp ngực, diềm bên ngoài bằng vải trắng, thêu chỉ đỏ và xanh. Áo cô dâu có móc nhiều chuỗi hạt cườm, đầu mỗi chuỗi là một chùm tua dài bằng chỉ đỏ hoặc hồng. Hai thân áo trước, thân bên phải ngắn hơn thân bên trái, cả hai thân này đều ngắn hơn thân sau. Khi mặc áo, người ta vắt thân bên trái qua thân bên phải rồi buộc dây lưng ra bên ngoài. Phần đuôi áo có nhiều hoa văn độc đáo là biểu tượng hoa lá, cây cỏ, muông thú, vật dụng sinh hoạt... thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người Dao Thanh Y.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, tác giả công trình “Một số vấn đề người Dao Quảng Ninh”, trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y ở Quảng Ninh có nhiều khác biệt so với Dao Thanh Y ở Tuyên Quang. Thậm chí, ngay trong cùng một huyện ở Quảng Ninh, áo của phụ nữ Dao Thanh Y cũng có sự khác nhau.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, mũ, áo của người Dao Thanh Y ở huyện Hải Hà khác với ở huyện Tiên Yên, cũng không giống hoàn toàn với người Dao Thanh Y TP Hạ Long. Điều này tạo ra nét khác biệt và sự phong phú hơn so với cộng đồng dân tộc này ở các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang.
Tương tự như vậy, trang phục của phụ nữ Sán Chỉ cũng có những nét độc đáo riêng biệt. Thông thường, trang phục của đồng bào Sán Chỉ có đường viền nhỏ quanh cổ áo và nẹp của áo dài là bằng sợi chỉ màu. Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2-3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau, được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình trong những ngày lễ, tết.
Trải qua hàng ngàn năm, trang phục truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hóa của mỗi dân tộc. Nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang không ngừng khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có trang phục truyền thống, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa đặc sắc Quảng Ninh.
Ý kiến ()