
Quản lý, kết nối các nhà thuốc bằng CNTT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu tại Hội nghị triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc đã phát biểu nhấn mạnh việc quản lý bán thuốc ở Việt Nam hiện nay thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới. Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam đang ở tốp cao của thế giới; giá các loại thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ chưa được quản lý. Hiện chưa có công cụ nào để giúp người dân nhận biết được công dụng, cách sử dụng và thời hạn sử dụng thuốc.
Phát biểu của Thủ tướng hoàn toàn đúng với thực trạng hiện nay. Chắc chắn rằng trong chúng ta ai cũng đều đã ít nhất một lần tự kê đơn, tự mua thuốc trị bệnh cho mình và hẳn rằng ít nhất đã một lần khi ốm không đi khám bác sĩ mà ra nhà thuốc miêu tả bệnh trạng để được người bán thuốc tư vấn nên dùng loại thuốc gì. Chính vì thói quen sử dụng thuốc bừa bãi và bán thuốc không cần đơn của bác sĩ, nên tỷ lệ kháng kháng sinh chung của cả nước mới ở tốp cao như vậy.
Tại Chỉ thị số 23 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành về quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc đã chỉ rõ, trong thời gian qua, hoạt động cung ứng thuốc còn nhiều bất cập, đó là tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; mua bán thuốc không theo đơn, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động.
Để khắc phục tình trạng này cần phải quản lý, kết nối được các nhà thuốc, tủ thuốc và giải pháp tối ưu là sử dụng công nghệ thông tin kết nối, quản lý. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện, trên toàn quốc có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 71,15% nhà thuốc cơ sở có kết nối internet. Tuy nhiên, chỉ có gần 48% sử dụng 23 phần mềm để quản lý, kinh doanh thuốc. Bộ Y tế cũng đã chuẩn hoá được 52.000 trong khoảng 60.000 danh mục thuốc y tế.
Từ triển khai thí điểm kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc tại 4 tỉnh (Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định), đến nay Bộ Y tế đã nhân rộng được ra 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc được cập nhật lên trang web: http://duocquocgia.com.vn.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, qua khảo sát hạ tầng CNTT tại các cơ sở bán lẻ thuốc, tỉnh hiện có 644 cơ sở bán lẻ thuốc; trong đó có 265 cơ sở là nhà thuốc, 379 cơ sở là quầy thuốc trực thuộc các doanh nghiệp dược trong tỉnh. Tính đến ngày 20/8/2018, Sở Y tế đã hoàn thành việc khảo sát hạ tầng CNTT tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong toàn tỉnh. Trong tháng 8 sẽ phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm tổ chức giới thiệu, tập huấn triển khai thí điểm ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối liên thông tại 32 nhà thuốc trên địa bàn TP Uông Bí. Và trước ngày 1/1/2019 sẽ áp dụng tại 233 nhà thuốc trong toàn tỉnh.
Ứng dụng CNTT trong quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc giúp cho ngành Y tế thuận lợi hơn trong việc truy xuất nguồn gốc thuốc và các hoạt động mua bán thuốc; góp phần chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn và lạm dụng kháng sinh. Đồng thời, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng... Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, cơ quan quản lý dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng, giảm hồ sơ giấy tờ báo cáo, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc không đúng quy định.
Sử dụng CNTT kết nối các hoạt động đời sống đối với người dân giờ đã là việc khá quen thuộc, vậy nên đối với ngành Y tế sẽ chẳng có trở ngại gì trong triển khai CNTT để quản lý việc mua, bán thuốc từ các nhà thuốc, tủ thuốc, từ đây chấn chỉnh hoạt động đang bị bỏ lỏng này, góp phần thực hiện tốt hơn chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì một xã hội khỏe mạnh.
Ngọc Lan
Ý kiến ()