Quản lý dịch vụ karaoke: Lỏng lẻo
Chỉ nói tới vấn đề phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, từ đầu năm đến nay, tại TP Hạ Long xảy 2 vụ cháy lớn còn ở Hải Hà vừa xảy ra vụ ngạt khí tại Karaoke Queen Club gây hậu quả nghiêm trọng với 10 người thiệt mạng. Trên Báo Quảng Ninh Điện tử cũng vừa có bài “Biển quảng cáo của Karaoke Golden, TP Hạ Long: Mất mỹ quan đô thị”. Nội dung bài báo phản ánh trên màn hình led của cơ sở này được lắp đặt phía ngoài thường xuyên chiếu những hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang. Bài viết cũng ghi nhận nhiều ý kiến của người dân phản ứng trước chiêu tạo sự chú ý của Karaoke Golden. Qua những sự vụ cụ thể nêu trên đặt ra câu hỏi về công tác quản lý loại hình dịch vụ karaoke hiện nay ra sao?
Trong một báo cáo gần đây của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý. Được biết, việc này xuất phát từ một đợt kiểm tra của Thanh tra Sở tại 6/14 địa phương trong tỉnh (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Quảng Yên, Hoành Bồ, Vân Đồn) về công tác tham mưu, quản lý, cấp phép loại hình dịch vụ karaoke. Bên cạnh những lỗi về việc cấp phép như chưa cập nhật kịp thời các quy định mới của nhà nước thì đáng chú ý là kết luận “nhìn chung, số lượt kiểm tra, xử lý vi phạm còn ít so với số lượng cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Có đơn vị chưa lưu đầy đủ hồ sơ kiểm tra, xử lý. Số lượng cơ sở kinh doanh karaoke chưa được cấp phép còn nhiều, có đơn vị chưa thống kê được số lượng cơ sở chưa được cấp phép trên địa bàn để theo dõi và có biện pháp kiểm tra, xử lý”. Không chỉ vậy, qua đợt kiểm tra này còn phát hiện có địa phương đã cấp phép bán lẻ rượu cho cơ sở kinh doanh karaoke trong khi nhà nước có quy định các cơ sở kinh doanh karaoke không được bán rượu (khoản 4, điều 32, Nghị định 103/2009/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng).
Mở rộng tìm hiểu càng thấy, hoạt động kinh doanh karaoke hiện nay thực sự tồn tại nhiều hạn chế mà biểu hiện rõ nhất là công tác quản lý nhà nước đang rất lỏng lẻo. Như ở Tiên Yên, toàn huyện có 27 điểm kinh doanh dịch vụ karaoke thì chỉ 12 điểm có giấy phép; thậm chí trước đó còn trong tình trạng tất cả “trắng giấy phép”. Hay như ở TP Hạ Long, điểm kinh doanh karaoke được quản lý theo giấy phép khoảng 90, nhưng còn các điểm có tổ chức hoạt động karaoke nhưng lại biến tướng dưới nhiều hình thức thì cơ quan quản lý vẫn chưa “vươn tới” được.
Hiện việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke thuộc thẩm quyền của các địa phương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đảm bảo về công tác quản lý. Và để làm tốt điều này, không chỉ “phó thác” toàn bộ cho Phòng Văn hoá - Thông tin mà cần sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhiều ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội. Cùng với đó, rất cần sự hỗ trợ, chấn chỉnh kịp thời và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra từ lực lượng liên ngành cấp tỉnh.
Ngọc Lê
Ý kiến ()