
Phòng chống bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, thường gặp là bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ...), ung thư, hô hấp mạn tính (phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản...), đái tháo đường. Các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời, thường để lại hậu quả nặng nề đến sức khỏe và gánh nặng kinh tế gia đình.
Bệnh không lây nhiễm là nhóm bệnh tiến triển âm thầm, kéo dài nhiều năm, khó phát hiện sớm nếu không khám định kỳ. Phần lớn người dân chủ quan, chỉ đến khám khi có những dấu hiệu sức khỏe giảm sút rõ rệt, dẫn đến việc phát hiện thường ở giai đoạn muộn, gây biến chứng nguy hiểm khó điều trị.
Trước thực trạng đó, ngành Y tế tỉnh tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người dân; đẩy mạnh phòng chống các bệnh không lây nhiễm, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về loại bệnh này. Hoạt động truyền thông về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại tỉnh đã được đẩy mạnh trên nhiều nền tảng như phát thanh, truyền hình, trang tin điện tử, mạng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ và lợi ích của việc thay đổi hành vi lối sống lành mạnh. Nội dung tin, bài tập trung tuyên truyền về phòng chống các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đồng thời ghi nhận các nỗ lực của ngành y tế địa phương trong công tác phát hiện sớm, quản lý và điều trị bệnh tại tuyến cơ sở. Qua đó, đã góp phần lan toả thông điệp tích cực và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ. Riêng năm 2024 toàn ngành thực hiện truyền thông trực tiếp trên 18.300 buổi tọa đàm, nói chuyện sức khỏe, thảo luận nhóm, gần 600.000 lượt tư vấn sức khỏe cá nhân. Các đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện chuyên mục truyền hình “Vì sức khỏe cộng đồng”, chuyên mục phát thanh “Sức khỏe là vàng”; truyền thông qua mạng xã hội; cấp phát trên 30.000 tờ rơi, áp phích, tài liệu, bản tin tuyên truyền về Ngày Thế giới phòng chống bệnh ung thư (4/2), Ngày Tăng huyết áp (17/5), Ngày Đái tháo đường thế giới (14/11)…
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, hằng năm ngành Y tế tỉnh quan tâm tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ; hoạt động dự phòng cho người nguy cơ cao, tiền bệnh, tổ chức các hình thức sàng lọc, phát hiện sớm người mắc bệnh, tổ chức các đợt chiến dịch khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm lồng ghép với khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh... tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh công tác khám, chữa bệnh lưu động ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh.

Từ đầu năm 2025 đến ngày 12/4 toàn tỉnh thực hiện sàng lọc tăng huyết áp cho 140.440 người trên 40 tuổi, phát hiện 86.523 người bệnh tăng huyết áp, quản lý điều trị cho 60.735 người (598 ca phát hiện mới trong các đợt khám sàng lọc và khám sức khỏe), trong đó có 34.528 bệnh nhân đã được điều trị kiểm soát huyết áp mục tiêu; sàng lọc đái tháo đường cho 122.283 người trên 40 tuổi, phát hiện 30.049 người mắc, quản lý điều trị cho 23.804 người, phát hiện 243 ca mới, trong đó có 16.880 bệnh nhân đã điều trị đạt mục tiêu đường huyết; sàng lọc nguy cơ lạm dụng rượu bia cho 115.415 người trên 18 tuổi. CDC Quảng Ninh còn tiến hành giám sát hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm ở 11 trung tâm y tế và 42 trạm y tế trong tỉnh.
Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai các hoạt động khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rượu bia; giám sát, hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm tại cơ sở; tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác không lây nhiễm trên toàn tỉnh. Năm 2025 ngành Y tế tỉnh dự kiến triển khai hoạt động điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho 60 cụm ở các địa phương để đánh giá các chỉ số về bệnh không lây nhiễm.
Ý kiến ()