Phiền toái cho dân, khó khăn cho chính quyền cơ sở, lãng phí của Nhà nước
Như vậy, tính từ năm 1998 đến nay, đã có 4 biểu mẫu giấy khai sinh khác nhau. Thứ nhất là biểu mẫu trước khi Chính phủ có Nghị định 84/CP về hộ tịch. Thứ hai là biểu mẫu theo Nghị định 83; Thứ ba là biểu mẫu theo Nghị định 158 (6-2006) và biểu mẫu mới sắp tới.
Ai cũng biết giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn là những loại giấy tờ quan trọng, gắn bó suốt đời với mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Nay với sự thay đổi xoành xoạch của ngành Tư pháp, chắc chắn người dân sẽ phải gánh chịu không ít phiền toái trong thời điểm giao thời giữa hai loại biểu mẫu (vì có ai nhịn đẻ, nhịn cưới trong lúc biểu mẫu cũ không còn giá trị, biểu mẫu mới chưa có?). Và hệ quả là chính quyền cơ sở, nhất là bộ phận hộ tịch sẽ “ăn đủ” những khó khăn trong tổ chức thực hiện, và đương nhiên kèm theo là những kêu ca từ người dân.
Một hệ quả tất yếu nữa của sự thay đổi này là lãng phí tiền của Nhà nước: từ việc huỷ bỏ hàng loạt biểu mẫu cũ cho đến chi phí in, lưu hành biểu mẫu mới, kể cả việc phải thiết kế, cài đặt lại phần mềm in giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn vốn được thiết kế, cài đặt chung trên máy vi tính.
Không biết Bộ Tư pháp và các cơ quan công quyền khác có rút ra được điều gì không qua một sự thay đổi vừa gây phiền hà cho dân, khó khăn cho chính quyền cơ sở, vừa lãng phí tiền của Nhà nước như đã nêu ở trên?
Ý kiến ()