Phi lý y như sáng tạo nghệ thuật
Vâng, nếu như bao năm qua, giá xe ô tô ở Việt Nam không đắt tới mức... hoang tưởng, có thể là đắt nhất thế giới (!). Nếu ở xứ người ta có "tiểu thuyết phi lý" có "kịch phi lý" thì ở nước ta có "giá xe ô tô phi lý", cứ như đó là một "sáng tạo mới" thuộc ngành văn học nghệ thuật (?). Phi lý, vì nó không dựa vào bất cứ lý do hợp lý nào, cả về kinh tế thị trường lẫn chính sách bảo hộ hàng nội địa. Gọi những chiếc xe ô tô con được lắp ráp tại VN là "hàng nội địa" sao được, khi gần như 90% chi tiết được nhập ngoại. Trong khi chúng ta nhiều khi bỏ mặc những mặt hàng nông phẩm do nông dân mình sản xuất, vì dù nay đã vào WTO cũng vẫn có cách để giúp đỡ nông dân trong sản xuất và xuất khẩu nông phẩm, thì cùng lúc, lại quyết liệt bảo hộ mặt hàng xe ô tô con lắp ráp trong nước. Bao năm nay, sự bảo hộ quá nhiệt tình ấy đã không hề tạo nên một "nền công nghiệp ô tô nội địa".
Việt Nam vẫn là nơi có mặt bằng và giá nhân công cạnh tranh cho công nghiệp lắp ráp ô tô, nhưng những "ông chủ" từ xa đến không quá để ý tới ưu thế này. Bởi "ưu thế" lớn nhất mà họ có được, ấy là họ gần như được độc quyền bán xe ô tô với giá cả "tùy thích", những cái giá "trên trời" mà bất cứ ai có dịp ra nước ngoài nếu quan tâm tới giá xe ô tô con sẽ... ngã ngửa: sao xe họ tốt thế mà giá lại rẻ thế! Ai cũng biết, xe ô tô lắp ráp tại VN bây giờ mới "phấn đấu" lên tiêu chuẩn EURO-2, trong khi ở các nước khác đã lên tới EURO-4, EURO-5. Thoải mái xả khí thải làm ô nhiễm môi trường mà không hề bị "ý kiến" gì, lại bán với giá ngất ngưởng, và "quá đã" hơn, là sản xuất xe không kịp bán, "cầu" luôn vượt "cung". Người mua được xe với giá cắt cổ nhưng lại vô cùng hể hả vì mua được, trong khi khối người khác phải xếp hàng chờ. Kinh doanh như thế thì đến một "đại thụ marketing" như Philip Kotler cũng phải "lạy bằng cụ", vì giỏi quá, lạ quá! Điều này thì Bộ Tài chính "rành sáu câu" đã từ lâu, và cũng có lần Bộ trưởng Tài chính hứa trước Quốc hội là sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô con để "kéo giá" xe lắp ráp nội địa xuống. Nhưng rồi, lời hứa ấy đã phôi phai qua nhiều cơn bão. Mà hằng năm ở Việt Nam lại có quá nhiều cơn bão, trong đó, "cơn bão giá" cũng rất đáng sợ. Khi Bộ Tài chính quyết định sẽ thuyết phục VAMA giảm giá ô tô, thì người ta hiểu ngay rằng, bao năm nay "cục cưng" này đã được yêu chiều tới mức quá đáng như thế nào! Vì cớ làm sao mà một Bộ chủ quản ngành tài chính to đến thế lại phải xuống giọng "năn nỉ" một hiệp hội sản xuất xe ô tô ?
Thực ra, "hạn chế nhập khẩu xe ô tô do hệ thống giao thông ở Việt Nam hiện không đáp ứng được mật độ xe quá dày" là lý do rất không có sức thuyết phục. Và để "hạn chế tai nạn giao thông" thì cách tốt nhất là... tăng giá xe, giữ giá xe ở mức cao nhất để hạn chế người mua cũng là một lý do khó hiểu, nếu không nói là phi lý. Hay chuyện "thuyết phục" này cũng chỉ "nói mà chơi", tôi thuyết phục anh nhưng anh không nghe thì... thôi(?). Làm gì có chuyện thuyết phục hay năn nỉ trong cơ chế thị trường! Dĩ nhiên, cái lý do để "trường phái giá xe phi lý" tồn tại ở Việt Nam bao năm nay thì ai cũng biết. Biết, nhưng đành chịu vậy chứ biết tìm đâu ra chứng cứ!
Ý kiến ()