
Kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2025) Phát triển thủy sản bền vững
Với trên 250km chiều dài bờ biển, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2, nhiều vụng, áng, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao… Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển ngành thủy sản. Nhiều năm qua, tỉnh có nhiều giải pháp trong khai thác, nuôi trồng, nhằm hướng tới mục tiêu đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là nuôi biển, để giảm áp lực từ khai thác thủy sản đến nguồn lợi tự nhiên; tập trung chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích NTTS nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác; sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch bảo vệ và khai thác NTTS... Đến hết năm năm 2024, diện tích nuôi nội địa toàn tỉnh khoảng 32.092ha, nuôi biển khoảng 10.200ha. Toàn tỉnh có 11.252 cơ sở NTTS, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác thu hút đầu tư nuôi biển cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã tổ chức các Hội nghị thu hút đầu tư nuôi biển tỉnh Quảng Ninh, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tìm hiểu, nghiên cứu nuôi biển tại tỉnh. Hiện, toàn tỉnh cũng đang thực hiện công tác sắp xếp khu vực biển để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện đại với diện tích 13.400ha. Trong đó, đã có các doanh nghiệp, HTX đề xuất nghiên cứu với diện tích gần 12.000ha, tập trung tại các địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long. Hầu hết các địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án, phương án chi tiết nuôi trồng.

Cùng với đó, tỉnh siết chặt các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó thực hiện nghiêm việc quản lý chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU); tổ chức giám sát 100% tàu cá vùng khơi, đảm bảo hoạt động đúng vùng, đúng nghề được cấp phép; tăng cường quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn triệt để các hoạt động khai thác có tính chất hủy diệt, tận thu, bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, có nguy cơ đe dọa nguồn lợi thủy sản; tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng phát triển tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia và an ninh, an toàn trong vùng biển quốc tế, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ, khai thác ven bờ… Đến năm 2024, toàn tỉnh có 5.556 tàu cá, 100% tàu cá trên 15m hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đảm bảo hoạt động đúng vùng, đúng nghề được cấp phép.
Việc khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường cũng được tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ, với việc ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch về: Khai thác, NTTS; quy chuẩn sử dụng vật liệu làm phao nổi; đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá và lồng bè NTTS mặn, lợ trên địa bàn tỉnh… để các sở, ngành, địa phương thực hiện. Điển hình, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tích cực triển khai nhiều nội dung trọng tâm để bảo đảm nguồn lợi thuỷ sản, gắn với bảo vệ môi trường, như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý nuôi biển và chuyển đổi vật liệu nổi; chỉ đạo lực lượng kiểm ngư chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tại các địa phương có biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động khai thác bất hợp pháp, sai quy định; tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa; duy trì hoạt động 24/24h đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản…
Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, hằng năm, các đơn vị, địa phương đều đồng loạt thực hiện hoạt động thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành thủy sản 1/4 (1959-2025), ngày 28/3 tại đập chính của hồ Yên Lập (phường Minh Thành, TX Quảng Yên), Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND TP Hạ Long, UBND TX Quảng Yên, Hội Nghề cá tỉnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đã tổ chức thả 165.000 cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Để phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất; tổ chức sản xuất, quản lý trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, liên vùng; bố trí sắp xếp khu vực biển để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư, phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện đại; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản. Đồng thời, cơ cấu lại đội tàu cá theo hướng giảm nhanh, bền vững đội tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, phát triển hợp lý và hiện đại hoá đội tàu cá; thành lập các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy phát triển thuỷ sản…; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ phát triển ngành thủy sản theo nhu cầu thị trường.
Với việc tích cực triển khai các biện pháp trọng tâm, trọng điểm, đến nay, ngành thủy sản của Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ, sản lượng khai thác, nuôi trồng ngày càng tăng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 166.044 tấn, bằng 98,34% mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều chỉnh năm 2024. Quý I/2025, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 36.082 tấn, vượt 3,5% so với kế hoạch đề ra.
|
Ý kiến ()