Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Ngay từ rất sớm, tỉnh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với việc ban hành cơ chế, chính sách riêng, nhằm thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn.
Ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, hàng loạt quyết sách quan trọng liên quan đến GD&ĐT, đặc biệt là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tỉnh xem xét, thông qua. Mới đây nhất, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND (ngày 27/8/2021) về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Theo đó, sinh viên các chuyên ngành nghề thuộc diện thu hút đào tạo sẽ được hỗ trợ tối đa đến 30 triệu đồng dựa theo kết quả trúng tuyển đầu vào; 30-50 triệu đồng nếu đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc kỳ thi KHKT cấp quốc gia. Nghị quyết còn quy định về mức hỗ trợ tiền đóng học phí hằng tháng, hỗ trợ tiền ăn và chi phí học tập cho sinh viên có kết quả đầu vào tốt và cam kết về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Tổng mức hỗ trợ tối đa sinh viên có thể nhận được trong quá trình học tập khoảng 150 triệu đồng/sinh viên/khóa.
Đối với mức hỗ trợ giảng viên thu hút vào giảng dạy tại trường hoặc giảng viên được nhà trường cử đi đào tạo nâng cao trình độ đối với những nghề phục vụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, mức tối đa lên đến 300 triệu đồng/giảng viên.
Cùng với đó, hiện tỉnh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo, kinh phí thực hiện là 1.133 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ 2021-2025. Đề án sẽ tiến hành phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh để chỉ ra những bất cập và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chất lượng nhân lực của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm KT-XH và phát triển.
Trên cơ sở đó, đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, bao gồm: Cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực... Trong đó cũng đưa ra dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 CBCCVC, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh là 750 CBCCVC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 1.100 CBCCVC, tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng...
Cùng với đó, tỉnh cũng đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với tăng nhanh quy mô, nâng cao chất lượng dân số và nghị quyết về phát triển KHCN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng sẽ có cơ chế chính sách quan tâm đầu tư thoả đáng phát triển GD&ĐT định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề.
Trường Đại học Hạ Long sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, chú trọng tới các tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu đã thành công ở Quảng Ninh.
Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh sẽ có cơ chế thu hút, “giữ chân” người tài ngoại tỉnh ở lại lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh. Hiện địa phương đang rà soát quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội, tạo quỹ đất phát triển các quỹ nhà ở với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh nhằm thu hút nguồn lao động đã qua đào tạo từ ngoại tỉnh về Quảng Ninh.
Với các giải pháp đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như ở ngành du lịch, dịch vụ, so với những năm trước đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, nâng lên một bước, không chỉ về số lượng, mà còn cả về chất lượng đào tạo. Từ việc xây dựng quy hoạch dài hạn, tổng thể đến xây dựng kế hoạch, chương trình, thực hiện các biện pháp có tính chất cấp bách, thường xuyên và đã có được những kết quả nhất định; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có sự chuyển biến rõ rệt, đổi mới, nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh du lịch theo cơ chế thị trường; ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị nguồn nhân lực tiên tiến, làm tốt các khâu tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, những doanh nghiệp du lịch lớn có đội ngũ lao động chất lượng khá, được đào tạo bài bản, chính quy, có ý thức, thái độ nghề nghiệp nghiêm túc, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ khá chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Ngành giáo dục đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn với ngành y tế, để thu hút và giữ chân các bác sỹ giỏi, ngành đã chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng các chính sách đặc thù; dành chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng các đối tượng thu hút. Tính đến hết tháng 3/2021, số lượng bác sĩ trong toàn ngành Y tế tỉnh là 1.925 người, trong đó 681 bác sĩ có trình độ sau đại học. Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới đã được quan tâm thông qua Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, hợp đồng chuyển giao, hỗ trợ toàn diện... Nhờ đó các bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám chữa bệnh trong tỉnh những năm gần đây đã từng bước nâng cao. Mạng lưới Y tế dự phòng Quảng Ninh luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo định hướng, cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh, trong 5-10 năm tới sẽ dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, nguồn nhân lực mà tỉnh cần trong thời gian tới là nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp. Chính bởi vậy, Quảng Ninh vẫn phải tiếp tục có những giải pháp đột phá hơn nữa để thu hút được người tài, người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt một số lĩnh vực ngành nghề mới tỉnh đang tập trung thực hiện như hàng không, du lịch đẳng cấp, logistics, CNTT trình độ cao phục vụ cho thành phố thông minh...
Ý kiến ()