Phát triển du lịch xanh bền vững
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, du lịch xanh chính là giải pháp để phát triển du lịch bền vững. Bắt nhịp xu hướng đó, ngành Du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng các điểm đến xanh, sản phẩm xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/5/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Theo đó, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Từ những định hướng đó, ngành Du lịch đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Có thể kể đến các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái...; mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức của Công ty CP Du thuyền Đông Dương... mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, qua đó góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Theo xu hướng du lịch xanh, vấn đề môi trường cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long và đã đạt được một số kết quả nhất định như: Xây dựng hai hành trình khám phá trên đảo Quan Lạn; lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, các tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp trên Vịnh Hạ Long, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy… để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành du thuyền.
Không chỉ ở Vịnh Hạ Long, trong thời gian qua, huyện đảo Cô Tô cũng đã xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững. Bắt đầu từ ngày 1/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilông, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm lên đảo. Sau khi thí điểm, huyện đã tiến tới áp dụng chính thức quy định này, đồng thời, kêu gọi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực...
Trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19, khái niệm du lịch xanh còn bao gồm cả vùng xanh an toàn. Tháng 3/2022, khi du lịch vừa mở cửa, Quảng Ninh đã chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sống chung an toàn với Covid-19. Tỉnh không chỉ từng bước phục hồi từ đón khách nội tỉnh, trong nước mà đã sẵn sàng các điều kiện để đón du khách quốc tế. Bên cạnh đó, nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin để trở thành “luồng xanh” đón khách trong nước và quốc tế.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết: Du lịch chất lượng, đảm bảo tính bền vững là lời giải cho du lịch hậu đại dịch và cũng mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến, là cách xanh hóa điểm đến, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng, Quảng Ninh cũng cần thúc đẩy sự phát triển của du lịch dựa trên văn hóa và quan trọng hơn là bảo tồn văn hóa, không chỉ tập trung vào tăng lượng khách mà chúng ta phải tập trung vào du lịch chất lượng.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường…
Ý kiến ()