
Quảng Ninh: Phát triển đô thị hiện đại, bền vững
Triển khai Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị. Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, đáng sống, có khả năng dẫn dắt vùng Đông Bắc trong phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh hoàn thành quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn), tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị tại các thành phố, thị xã đạt trên 90% cao hơn bình quân chung cả nước. Các đồ án quy hoạch được duyệt cơ bản có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư. Đặc biệt, các đồ án quy hoạch không chỉ chú trọng yếu tố kỹ thuật, mà còn quan tâm đến cải tạo, chỉnh trang nâng cấp đô thị, đề cao tính thẩm mỹ, thân thiện và gắn kết giữa không gian sống với cộng đồng cư dân.
Điều đáng chú ý là mặc dù quỹ đất xây dựng đô thị ở các địa phương còn rất hạn chế, tuy nhiên tỉnh đã dành quỹ đất tại các vùng lõi, trong đó có trung tâm TP Hạ Long (cũ) với diện tích trên 13ha để xây dựng công viên hoa Hạ Long. Từ năm 2017, sau khi đưa công viên hoa Hạ Long vào hoạt động, đến nay nơi đây đã trở thành điểm luyện tập thể thao, vui chơi, thư giãn không chỉ của người dân trên địa bàn mà còn là địa điểm hấp dẫn đối với du khách khi đến với vịnh Hạ Long.
Một minh chứng sinh động cho tư duy mới trong quy hoạch đô thị là các địa phương đã cho cải tạo các tuyến mương thoát nước làm không gian công cộng, vườn hoa, bãi đỗ xe cho người dân. Đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí, diện tích mà còn thể hiện sự linh hoạt và trách nhiệm với môi trường sống. Điển hình: Cuối năm 2024, UBND TP Hạ Long cũ đã triển khai Nhóm dự án hạ tầng tạo cảnh quan trên mặt tuyến mương tại phố Hải Hà, phố Hải Thịnh, phố Hải Lộc với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Trước đây, các tuyến mương này thường xuyên bị ô nhiễm, ngập úng cục bộ vào mùa mưa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Sau khi cải tạo theo hướng mở, xây bồn hoa, trồng cây xanh, hệ thống đường dạo kết cấu bê tông xi măng kết hợp sơn màu mặt đường, bãi đỗ xe, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng sử dụng loại đèn led và hệ thống đèn nấm rọi lối đi tại cảnh quan chiếu sáng… đã tạo diện mạo mới cho khu vực này.
Ông Nguyễn Đức Long (phường Hạ Long) cho biết: Từ những tuyến mương nhỏ hẹp, giờ trở thành những công viên nhỏ giữa lòng đô thị, nơi người dân có thể dạo bộ, thư giãn. Điều này đã thực sự giúp cho đời sống tinh thần của người dân được nâng lên hàng ngày.

Cùng với việc cải tạo các tuyến mương, Dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai) cũng trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị gắn với văn hóa, du lịch và đời sống cộng đồng của người dân trên địa bàn tỉnh. Trước đây, khu vực quanh đền khá chật hẹp, thiếu các hạng mục phụ trợ cho sinh hoạt cộng đồng và du khách. Sau cải tạo, không gian di tích mở rộng với hệ thống sân bãi, đường dạo, cây xanh, khuôn viên sinh hoạt công cộng... tạo nên một tổng thể cảnh quan hài hòa, trang nghiêm mà vẫn gần gũi với đời sống thường nhật. Đồng thời, phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích núi Bài Thơ, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, tạo điểm tham quan du lịch, văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương; góp phần kết nối tuyến du lịch văn hóa tâm linh ven biển Hạ Long – Cửa Lục, tăng giá trị khai thác du lịch bền vững. Đây là hướng đi đúng đắn của tỉnh và địa phương trong việc tích hợp di sản vào chỉnh trang đô thị, không chỉ bảo tồn mà còn “hồi sinh” giá trị di tích trong nhịp sống đương đại.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển hạ tầng giao thông hay mở rộng không gian đô thị, công tác chỉnh trang đang được chuyển hóa theo hướng lấy con người làm trung tâm, lấy không gian công cộng làm điểm nhấn, và lấy sự hài hòa, bền vững làm định hướng. Tỉnh và các địa phương đang từng bước nâng tầm chất lượng sống bằng cách đầu tư mạnh vào các thiết chế văn hóa, công viên cây xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng trong các khu đô thị mới và đặc biệt chú trọng đến cải tạo, chỉnh trang, phòng chống ngập lụt, nguy cơ ô nhiễm môi trường cho các khu dân cũ.
Điều đáng ghi nhận là công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Giai đoạn 2020-2025, ngành Xây dựng đã thẩm định trên 1.200 lượt hồ sơ các công trình dân dụng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo quy hoạch đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển xanh – sạch – đẹp của tỉnh. Nhiều khu vực vốn bị bỏ quên nay được cải tạo, khoác lên diện mạo mới văn minh, hiện đại. Các điểm đen giao thông, điểm ngập úng đã được xử lý triệt để. Trên 4.800 vị trí đường ngang đã được lắp đặt gờ giảm tốc, vừa đảm bảo an toàn, vừa làm đẹp tuyến phố.
Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi đô thị hiện đại với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, văn minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với hệ thống hạ tầng cứng, tỉnh đẩy mạnh xây dựng “hạ tầng mềm” như các không gian sinh thái, công viên văn hóa, phố đi bộ, quảng trường... Thời gian tới, những con đường rộng rãi, vỉa hè, tiểu cảnh, ghế đá, phố đi bộ... ngày càng nhiều hơn, không gian công cộng được chăm chút và trả lại đúng ý nghĩa vốn có của nó, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Quảng Ninh.
Ý kiến ()