Ngày 21/1/2016, UBND TP Uông Bí đã ban hành Đề án 125/ĐA-UBND về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (gọi tắt là Đề án 125). Đây được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, tiến độ nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án chưa đạt yêu cầu.
Đề án 125 có tổng vốn 117 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 36 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp 41 tỷ đồng và đối ứng của người dân 40 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển 7 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm các vùng: Vải chín sớm Phương Nam (350ha), thanh long ruột đỏ (100ha), mai vàng Yên Tử (15ha), mơ lông Yên Tử (15ha), nuôi trồng thủy sản (115ha), rau an toàn (47ha) và cây thông nhựa (1.600ha). Thành phố đã giải ngân từ nguồn vốn của Đề án được gần 19 tỷ đồng; 3/7 vùng sản xuất đã đạt và vượt kế hoạch về diện tích tính đến năm 2020 là các vùng: Vải chín sớm Phương Nam, mơ lông và mai vàng Yên Tử.
Riêng vùng vải chín sớm Phương Nam, đến thời điểm này có thể nói đạt hiệu quả cao nhất nhờ người dân bắt kịp chính sách, nhiệt tình tham gia đối ứng. Cụ thể, ngay năm đầu thực hiện đề án đã đạt 100% kế hoạch diện tích tính đến năm 2020, với 350ha. Hiện nay tổng diện tích vải chín sớm Phương Nam đạt 372ha, cao hơn mục tiêu tính đến năm 2020 là 22ha. Sản lượng và giá trị của nông sản này trong 3 năm qua có mức tăng đột biến, trong đó năm 2016 đạt 1.525 tấn, doanh thu trên 33 tỷ đồng; năm 2017 sản lượng đạt 2.800 tấn, doanh thu 75 tỷ đồng; năm 2018 sản lượng đạt 3.500 tấn, doanh thu 63 tỷ đồng.
2 vùng nông sản mơ lông Yên Tử và mai vàng Yên Tử hiện nay đều đã đạt kế hoạch về diện tích trồng mới tính đến năm 2020 (15ha/vùng) tuy nhiên chất lượng cây không cao. Riêng vùng mơ lông Yên Tử qua rà soát cho thấy tỷ lệ cây chết lên đến gần 40%; nhiều diện tích cỏ mọc cao quá cây do không được người dân chăm sóc.
Sau 3 năm triển khai Đề án, còn tới 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không đạt kế hoạch tiến độ đề ra. Cụ thể, vùng thanh long ruột đỏ trồng mới được 28ha (trung bình mỗi năm đạt 62% kế hoạch), nâng tổng diện tích hiện có lên 62ha. Vùng cây thông nhựa trồng mới được 281ha (trung bình mỗi năm đạt 62% kế hoạch), tổng diện tích hiện có đạt 4.116ha. Vùng nuôi trồng thủy sản phát triển thêm được 1 hộ với diện tích 6,2ha (trung bình mỗi năm thực hiện đạt chưa tới 10% kế hoạch). Vùng rau an toàn trồng phát triển thêm khoảng 4ha (trung bình mỗi năm thực hiện đạt 25% kế hoạch).
Nguyên nhân khiến việc thực hiện Đề án 125 của TP Uông Bí chưa đạt những kết quả như mong muốn được cho là kế hoạch về diện tích trồng mới đề ra cao, trong khi đặc thù quỹ đất địa phương cơ bản là manh mún, nhỏ lẻ và ngày càng bị thu hẹp bởi áp lực các dự án hạ tầng, công nghiệp.
Đối với cây thanh long ruột đỏ, người dân khó áp dụng được chính sách từ Đề án (quy định diện tích trồng từ 1ha trở lên) trong khi đó tổng vốn đầu tư 1ha rất lớn, trung bình từ 500-700 triệu đồng. Tương tự, đối với vùng trồng rau an toàn, người dân cũng không đáp ứng được tiêu chí về diện tích theo quy định. Riêng cây mơ lông, mai vàng và thông nhựa, cái khó là đều có thời gian sinh trưởng dài, trong khi đó người dân cần có nguồn thu nhập để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Cây mai vàng còn khó uốn thế, tạo dáng và điều tiết thời gian nở hoa để trở thành hàng hóa thương mại, từ đó khiến người dân không mặn mà tham gia.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo thành phố cho biết: TP Uông Bí đang nghiên cứu chuyển đổi hướng triển khai Đề án 125. Trong đó xem xét tính toán lại diện tích quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung một cách hợp lý, bám sát điều kiện thực tế; tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi vùng sản xuất. Về áp dụng chính sách hỗ trợ của đề án, TP Uông Bí khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung của các tổ chức, doanh nghiệp triển khai. Đối với các mô hình sản xuất trong dân thì ưu tiên mô hình ứng dụng sản xuất công nghệ cao, giống mới như: Trồng thử nghiệm một số giống quế, sâm Ngọc Linh, dưa lưới, dưa tím, các giống hoa đẹp, cá cảnh, các loại quả có tạo hình...
Bên cạnh đó, TP Uông Bí cũng xác định phát triển nông sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trở thành hàng hóa phục vụ du lịch, dịch vụ, thương mại để nâng cao giá trị. Đơn cử như quả mơ lông làm nguyên liệu để chế biến nước mơ, ô mai mơ, rượu mơ; vải chín sớm Phương Nam định hình là sản phẩm OCOP; mai vàng Yên Tử trở thành cây cảnh, cây hoa trưng tết; hay các vùng sản xuất rau, thanh long, nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm...
Bài: Việt Hoa
Ảnh: Việt Hoa, Hùng Sơn, Bùi Bích Thủy
Trình bày: Hải Anh
Ý kiến ()