Phát huy trạm y tế lưu động
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khi những ngày qua trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận những ca mắc mới Covid-19. Đơn cử như ngày 17/11, Quảng Ninh ghi nhận 61 ca mắc Covid-19 mới. Từ ngày 11/10 đến 17/11, toàn tỉnh ghi nhận 408 ca mắc Covid-19 tại Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái...
Đến thời điểm này, các ổ dịch tại Đông Triều, Uông Bí đã cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Đối với ổ dịch tại Khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà liên quan tới Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, các địa phương đang tập trung quyết liệt khoanh vùng sớm, truy vết nhanh, xét nghiệm thần tốc để dập tắt ổ dịch.
Trước thực trạng này, ngoài sự hỗ trợ của các lực lượng truyến trên, hiện tất cả xã, phường trên địa bàn đã thành lập, kích hoạt các trạm y tế lưu động, đây là tuyến y tế quan trọng đang góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Quảng Ninh hiện đã thành lập 116 trạm y tế lưu động, nhằm hỗ trợ theo dõi sức khỏe cho các F0, F1 tại nhà. Các trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, trang phục bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn...; máy tính kết nối mạng; số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác...
Một trạm y tế lưu động được bố trí 4-5 nhân viên y tế huy động từ các cơ sở y tế khác nhau, bao gồm cả lực lượng y tế ngoài công lập. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, tất cả các nhân viên sẽ sinh hoạt, làm việc, trực 24/24h tại trạm. Các nhân viên y tế của trạm y tế lưu động đến từng nhà F1 để theo dõi sức khỏe hàng ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR, và phát thuốc cho những bệnh nhân. Các trường hợp có bệnh nền đang trong quá trình điều trị được hỗ trợ tư vấn và cấp phát thuốc trong suốt thời gian cách ly. Nếu có các diễn biến bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở… sẽ được khám, test nhanh để tiếp tục phân loại điều trị.
Thời gian qua, mô hình trạm y tế lưu động đã phát huy hiệu quả khi dịch xảy ra tại TX Đông Triều và TP Uông Bí. Như ở Đông Triều, với nhiều ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà, 21/21 trạm y tế lưu động của thị xã đã được đưa vào vận hành ngay từ rất sớm, với nhiệm vụ chăm sóc quản lý F1, F0. Cùng với đó các trạm y tế lưu động còn hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ chống dịch như khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, góp phần xử lý, dập tắt nhanh các ổ dịch trên địa bàn.
Hay tại TP Uông Bí - địa phương có số ca F1 đang cách ly tại nhà lớn nhất toàn tỉnh với 1.970 người, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng y tế tuyến trên thì các trạm y tế lưu động đóng vai trò quan trọng đảm bảo các quy định về chăm sóc y tế, theo dõi sức khỏe, tổ chức khoanh vùng, truy vết, dập dịch hiệu quả. Điều này đã giúp các trường hợp F1 yên tâm hơn khi cách ly y tế tại nhà, qua đó giảm thiểu rủi ro dịch bệnh có thể lây lan, bùng phát ra cộng đồng.
Dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, để ứng phó với các cấp độ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, trong thời gian tới, ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai thí điểm điều trị F0 không triệu chứng, quản lý F1 tại nhà trên cơ sở đảm bảo các quy định của Bộ Y tế. Qua đó nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế tuyến trên và chủ động trong các tình huống của dịch bệnh.
Có thể thấy, mô hình trạm y tế lưu động đang phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương, trở thành “cánh tay nối dài” cho các cơ sở y tế trong điều trị, chăm sóc, quản lý các trường hợp mắc, nghi mắc Covid-19 và thực hiện khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm sớm nhất, nhanh nhất. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, trạm y tế lưu động giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm gánh nặng cho các khu cách ly tập trung, cơ sở y tế điều trị Covid-19.
Ý kiến ()