Phao cứu sinh vì người nghèo
Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” do Uỷ ban ATGT Quốc gia phát động, nhằm kiềm chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông đường thuỷ gây ra; đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tinh thần nhường cơm sẻ áo, UBND tỉnh vừa ban hành công văn (số 5481/UBND-GT2) về việc phát động cuộc vận động “Phao cứu sinh vì người nghèo”.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động cuộc vận động, để ủng hộ phao cứu sinh, dụng cụ nổi tặng những ngư dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn làm nghề trên sông nước, qua đó góp phần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa. Đồng thời Ban ATGT tỉnh có trách nhiệm đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện cuộc vận động…
Chúng ta đều biết, bên cạnh việc đẩy mạnh và coi trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường bộ - vốn đang rất nhức nhối - thì việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thuỷ nội địa cũng luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, thường kéo theo cái chết của nhiều người. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do thiếu hoặc không trang bị phao cứu sinh trên phương tiện…
Quảng Ninh là tỉnh ven biển với bờ biển dài rộng, có nhiều xã đảo, huyện đảo; bên cạnh đó hệ thống sông, hồ cũng rất đa dạng. Bởi vậy, trên địa bàn có số lượng người dân và phương tiện hoạt động trên sông nước khá lớn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn, thương tích từ hoạt động giao thông đường thuỷ… Để ngăn chặn và kiềm chế tai nạn giao thông trên các tuyến đường thuỷ nội địa, từ nhiều năm nay tỉnh và các ngành chức năng cũng như các địa phương đã rất chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện hoạt động trên tuyến giao thông này. Cụ thể là tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng phương tiện, trình độ nghiệp vụ của thuyền trưởng, thuyền viên, các loại giấy phép hoạt động trên sông nước, các trang thiết bị đảm bảo an toàn, tặng phao cứu sinh cho người nghèo và học sinh vùng sông nước... Vì vậy, về cơ bản các chủ phương tiện và những người trực tiếp điều khiển phương tiện đã chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, đặc biệt là các tàu chở khách, tàu tham quan du lịch trên Vịnh, trên biển…
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một bộ phận không nhỏ chủ phương tiện và người dân còn lơ là, coi nhẹ công tác đảm bảo an toàn khi hoạt động trên sông, biển, nhất là đối với các loại phương tiện nhỏ, các loại đò dọc, đò ngang hoạt động trên các sông hồ, khu vực ven biển. Trong số này đáng chú ý là các hộ nghèo có các hoạt động mưu sinh trên sông, trên biển. Thường do điều kiện kinh tế khó khăn, nên không ít hộ, phương tiện đã không trang sắm đầy đủ các phương tiện, dụng cụ cứu sinh. Vì vậy, việc UBND tỉnh phát động cuộc vận động “Phao cứu sinh vì người nghèo” là rất cần thiết, rất nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, với tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm hãy vì tính mạng, tài sản của các hộ nghèo, tích cực hưởng ứng cuộc vận động để có nhiều phương tiện cứu sinh tặng cho người nghèo có các hoạt động trên sông nước. Và tuy là cuộc vận động, song cũng cần xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện. Như vậy cuộc vận động mới đạt được kết quả cao. Bên cạnh đó cũng phải chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định mặc áo phao khi đi trên sông nước. Có như vậy việc tặng phao cứu sinh cho người nghèo mới thực sự có ý nghĩa, mới có tác dụng ngăn ngừa rủi ro, tai nạn…
Thanh Tùng
Ý kiến ()