Nụ cười Hạ Long và thương hiệu Quảng Ninh
Ngày 1-11, trong lễ kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh đã chính thức khởi động chiến dịch xây dựng thương hiệu Quảng Ninh, bắt đầu từ chương trình Nụ cười Hạ Long với thông điệp nụ cười đến từ trái tim. Ngay sau đó, ngày 4-11, UBND tỉnh đã họp bàn về việc triển khai chương trình Nụ cười Hạ Long dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…
Chương trình Nụ cười Hạ Long với ý nghĩa và mục tiêu phụng sự cộng đồng và xã hội, gia tăng hiệu quả phát triển cho ngành du lịch - dịch vụ của tỉnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Đồng thời, nhằm thay đổi nhận thức cho con người, đưa Quảng Ninh thực sự là mảnh đất của những nụ cười, sự mến khách, thân thiện và lịch thiệp…
Quảng Ninh vốn được ví như một nước Việt Nam thu nhỏ, với vị trí địa lý và các tiềm năng lợi thế phát triển nổi trội, trong đó có Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mà ít có địa phương nào trong cả nước sánh được, đang từng năm, từng tháng hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và xây dựng, định vị Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch quốc gia…
Mặc dù có nhiều lợi thế so sánh, có những tiềm năng phát triển nổi trội, nhưng thời gian qua thương hiệu Quảng Ninh, nhất là về du lịch vẫn chưa ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thương trường cũng như trong lòng du khách trong và ngoài nước. Bởi lẽ, không chỉ vì Hạ Long thiếu những nụ cười thân thiện, mến khách mà còn bởi các dịch vụ nghèo nàn, chất lượng phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp. Đó là chưa kể còn nhiều điều khiến du khách phải buồn lòng như nạn đeo bám, ăn xin, chộp giật, chặt chém diễn ra ở không ít điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là các thủ tục hành chính còn rườm rà, mất thời gian; thái độ, tinh thần phục vụ của nhiều công chức, viên chức còn gây ức chế, không thoải mái cho nhà đầu tư, du khách…
Bởi vậy, tham gia ý kiến tại buổi họp bàn của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình Nụ cười Hạ Long, nhiều ý kiến của các sở, ban, ngành chức năng đều cho rằng cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người dân và du khách, thành lập cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh triển khai các hoạt động của chương trình Nụ cười Hạ Long, đặc biệt là tăng cường triển khai thực hiện thật tốt Chỉ thị 11 của UBND tỉnh về việc quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Và theo như kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp, thì chương trình Nụ cười Hạ Long nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, ứng xử từ chính mỗi con người, bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh, sau đó lan toả đến bộ máy chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể người dân, để xây dựng chuẩn mực về một vùng đất du lịch và đầu tư lý tưởng…
Nụ cười Hạ Long là thông điệp, là lời mời gọi, là quyết tâm thể hiện sự thân thiện, mến khách của người Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng vì mục tiêu phát triển. Nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, cho dù có nhiều nụ cười đi chăng nữa, nhưng nếu không thực chất, chất lượng dịch vụ du lịch không được cải thiện, vẫn còn nhiều điều khiến du khách, nhà đầu tư phải buồn lòng, thì những nụ cười đó sẽ chẳng có ý nghĩa. Do vậy, để xây dựng thành công thương hiệu Quảng Ninh, nhất là thương hiệu du lịch cho tỉnh, thì những nụ cười của mỗi chúng ta phải xuất phát từ trái tim của mỗi con người. Hãy xây dựng thương hiệu của tỉnh bắt đầu từ những hành động, việc làm đẹp đẽ nhất, ấn tượng nhất mà mỗi khi nhớ lại du khách luôn xúc động, không thể nào quên và luôn thôi thúc họ muốn quay trở lại. Đó mới là cái đích mà chúng ta cần hướng tới và đó cũng chính là thương hiệu của Quảng Ninh, không lẫn với các địa phương, địa danh khác…
Thanh Tùng
Ý kiến ()