20
18
/
1100528
Nông dân Quảng Ninh nỗ lực làm chủ khoa học công nghệ
longform
Nông dân Quảng Ninh nỗ lực làm chủ khoa học công nghệ

Cover

Những năm qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, nông dân Quảng Ninh đã tích cực hội nhập, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, góp phần tạo nên những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, xây dựng các vùng nông nghiệp hiện đại, bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Ảnh với chú thích

Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, anh Nguyễn Văn Thiện rất hài lòng với hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2ha chè của gia đình. Đây là hệ thống tưới tiêu vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây, với diện tích này, anh Thiện phải thuê 4 lao động, hiện nay chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

Đặc biệt, hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây…

Ảnh với chú thích
Mô hình trồng chè sử dụng thiết bị tưới tự động của gia đình anh Nguyễn Văn Thiện (thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà).

Anh Thiện cũng tranh thủ lên mạng để tìm kiếm thị trường. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh vẫn khai thác tối đa tính hữu dụng của điện thoại thông minh để livestream, tiếp thị và bán sản phẩm.

Anh Thiện chia sẻ: Trong xu hướng bắt nhịp công nghệ trong mọi ngành nghề thì những người nông dân cũng phải tiếp cận công nghệ để đổi mới tư duy sản xuất, từ đó có được hướng đi bền vững nhất. Tôi nghĩ rằng trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp trên toàn thế giới, vừa là thách thức nhưng cũng đem lại cơ hội lớn để những người đầu tư sản xuất nông nghiệp chúng tôi tiếp cận kỹ thuật cao, tự làm mới mô hình sản xuất của mình để thích ứng và phát triển hiệu quả hơn.

Hay như mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Phạm Quốc Huy (thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) thời gian qua đã cho năng suất và hiệu quả rất tốt. Trong vụ tôm vừa qua, gia đình anh Huy thu gần 1 tỷ đồng từ 2,2ha tôm thẻ chân trắng. Thành công này đến từ việc chủ động tiếp cận công nghệ, áp dụng KHKT, kết hợp với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm, mang lại vụ mùa bội thu cho gia đình.

Ảnh với chú thích
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Phạm Quốc Huy (thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên).

Anh Huy chia sẻ: Phương pháp nuôi tôm truyền thống trước đây có hạn chế, đó là tôm dễ bị dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường; thời gian quay vòng ngắn khiến cho năng suất không cao. Từ năm 2020, gia đình tôi chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ 3, 4 giai đoạn ở bể tròn, đồng thời lắp đặt hệ thống nhà lưới và thiết bị tự động kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các ao nuôi. Nhờ đó, những vụ tôm gần đây rất hiệu quả, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, trọng lượng lớn, sản lượng gấp 3-4 lần so với trước.

Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trong chăn nuôi có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và kinh tế của người nuôi. Để cải thiện vấn đề này, nhiều biện pháp ứng dụng kỹ thuật, mô hình mới trong chăn nuôi cũng được những người nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng.

Đơn cử như với mô hình gia trại chăn nuôi trên 200 con lợn thịt của gia đình anh Vũ Văn Diên (khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành, TX Quảng Yên), để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2020, gia đình anh đã sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại.

Ảnh với chú thích
Mô hình trồng rau thủy canh tại Công ty Song Hành (TX Quảng Yên).

Anh Diên chia sẻ: Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy việc áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn rất hiệu quả. Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật sử dụng làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm… Đến nay, đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Không riêng những mô hình kể trên, nhiều năm trở lại đây, việc nông dân chủ động ứng dụng KHKT vào sản xuất ngày càng phổ biến. Nhiều người mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ cao mang lại thu nhập tăng thêm trên cùng diện tích canh tác.

Ảnh với chú thích

Trong sản xuất, nông dân áp dụng những thành tựu KHKT đã góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và các hoạt động dịch vụ. Nhờ đó, ngành nông nghiệp của tỉnh mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn vẫn đạt tăng trưởng cao.

Tính riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh đạt 4,51%, chiếm 5,5% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, cao hơn kịch bản của ngành, của tỉnh đề ra, cao nhất trong 3 năm gần đây. Nông nghiệp cũng mang về gần 25.000 tỷ đồng, tính theo giá hiện hành, góp phần nâng thu nhập của nông dân trên 51 triệu đồng/người/năm.

Ảnh với chú thích
Thu hoạch dưa lưới trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (huyện Đầm Hà).

Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay, với sự hỗ trợ của tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Ảnh với chú thích
Nông sản của TX Đông Triều được đăng tải, bày bán trên trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn.

Một ví dụ điển hình về sức mạnh của công nghệ số trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là thành công của vụ na ở TX Đông Triều năm 2021. Việc minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ đã giúp người nông dân xuất bán được hơn 6.500 tấn quả. Nông nghiệp số đã giúp cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn được minh bạch.

Bên cạnh đó, TX Đông Triều đã phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh  tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; mở rộng các kênh tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, doanh nghiệp ngành than, khu kinh tế, KCN, CCN; tổ chức "Tuần xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm na và OCOP" tại nhiều địa phương… để người tiêu dùng trong tỉnh tiếp tục có điều kiện thuận lợi tiếp cận sản phẩm "Na Đông Triều" với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm.

Nhờ vậy, quả na Đông Triều đã xuất hiện tại nhiều siêu thị lớn cả thị trường trong và ngoài tỉnh… Thị trường mở rộng, giá trị kinh tế gia tăng và thu nhập của người nông dân cũng được nâng lên.

Ảnh với chú thích
Nông dân TX Đông Triều sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian tới, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ là cơ sở để đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất; tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các mặt hàng nông sản. Muốn vậy, cần hình thành kinh tế nông nghiệp số, nông dân số mà ở đây người nông dân đóng vai trò làm chủ, tiên phong trong việc tiếp cận công nghệ.

Thực tế, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã không còn xa lạ với người nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ những vườn trồng rau không đất (rau thủy canh), trang trại tự động, sàn thương mại điện tử; sử dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất theo chuỗi liên kết… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.

Ảnh với chú thích
Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và XNK Quy Hoa (huyện Hải Hà) sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để giữ trọn các dưỡng chất sản phẩm trà hoa vàng.

Trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động tham gia sàn thương mại điện tử để bán hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt với các sản phẩm OCOP cũng gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng xuất khẩu có sự đóng góp không nhỏ của công nghệ.

Tuy nhiên, dù tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nông dân đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhưng ở tầm vĩ mô thì ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh mới chỉ manh nha. Đa số nông dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo cách cũ. Ngoài những điểm yếu cố hữu, như trình độ, vốn, kinh nghiệm quản lý, KHCN… thì "điểm nghẽn” cần thay đổi đầu tiên vẫn là tư duy sản xuất. Có thể thấy, muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có đội ngũ nông dân được chuyên nghiệp hoá.

Ảnh với chú thích
Cán bộ Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương (TX Quảng Yên) nghiên cứu ươm giống cây trồng.

Ngành nông nghiệp Quảng Ninh định hướng đến năm 2030 phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp hữu cơ…

Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với việc đầu tư hạ tầng nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn, tăng cường chuyển đổi mô hình sản xuất giúp người nông dân trên địa bàn tiếp cận tốt hơn với KHKT trong sản xuất... Cùng với đó, người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động hơn trong việc tiếp cận KHKT, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ 4.0, để thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, bắt nhịp với xu thế chung của thế giới nhằm nâng cao giá trị nông sản, từng bước đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Thực hiện: Nguyễn Thanh
 
Trình bày: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu