Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí thủ khoa ở các trường đại học nhưng nhiều năm không kiếm nổi việc làm thì số học sinh tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp lại chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đầu ra cho học sinh thuận lợi là vậy, nhưng đầu vào của các cơ sở này hết sức khó khăn.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Cẩm Phả chủ yếu đào tạo ngành cơ khí như: Rèn, hàn, tiện, sửa chữa ô tô... Năm 2018, số tuyển sinh của trường đạt chỉ tiêu được giao, tuy nhiên hơn nửa lại là học sinh mới tốt nghiệp THCS. Học sinh tốt nghiệp THPT rất khó tuyển dụng, mặc dù số này sau tốt nghiệp cao đẳng ở trường đều có việc làm. Ông Hoàng Minh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp để cung cấp học sinh cao đẳng sau tốt nghiệp cho họ, còn các doanh nghiệp này sẽ phối hợp với trường trong công tác đào tạo, tuyển sinh, chi tiền hỗ trợ, tiền học... Thuận lợi là vậy, nhưng hầu như năm nào trường cũng không tuyển đủ số học sinh tốt nghiệp THPT”.
Với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, việc tuyển sinh lại càng khó khăn hơn mặc dù trường đào tạo theo đơn đặt hàng của các đơn vị ngành Than, học sinh sau tốt nghiệp hầu hết đều làm tại các doanh nghiệp này. Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2018, trường sẽ tuyển 420 sinh viên hệ cao đẳng, 5.425 học sinh hệ trung cấp và 13.120 học viên hệ sơ cấp; nhưng thực tế đến hết tháng 10/2018, trường mới tuyển được gần 1.500 học sinh hệ trung cấp, hệ cao đẳng không tuyển được sinh viên nào. Chỉ có hệ sơ cấp là vượt so với kế hoạch. Trong khi đó, nhà trường đã huy động tối đa các nguồn lực cho công tác tuyển sinh. Trường xây dựng mạng lưới tuyển sinh với hệ thống sâu rộng tại các tỉnh, thành phố; giao cho tất cả các đơn vị trong trường cùng thực hiện nhiệm vụ; mở rộng thông tin tuyển sinh đến 53 tỉnh/thành phố...
Còn Trường Cao đẳng Y dược Quảng Ninh, chỉ tiêu học chính quy cao đẳng điều dưỡng, cao đẳng dược năm 2018 là 300 sinh viên, nhưng thực tế cũng chỉ tuyển được khoảng 130 sinh viên.
Để phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi với học sinh, sinh viên học tại các trường nghề như Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cùng với đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020. Một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp trong hỗ trợ chi phí đào tạo, học phí, tiền ăn, chỗ ở... cho học sinh, sinh viên theo học một số ngành nghề.
Mặc dù có các chính sách hỗ trợ và các trường đều rất nỗ lực, nhưng không chỉ Trường Cao đẳng Công nghiệp Quảng Ninh, Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Cao đẳng Y dược Quảng Ninh, mà khó khăn trong tuyển đầu vào vẫn là thực trạng chung của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động nghề nghiệp, trong đó có 8 trường cao đẳng, trung cấp chính quy, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 2 trường đại học có hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 16 đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác. Theo kế hoạch đào tạo nghề, năm 2018, các cơ sở trên tuyển sinh khoảng 35.000 người; trong đó 1.500 người hệ cao đẳng, 5.000 hệ trung cấp, còn lại sơ cấp và dưới 3 tháng. Tuy nhiên, tính đến hết quý III/2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ tuyển sinh được 24.500 người; trong đó hệ cao đẳng chỉ được 800 người, trung cấp 3.100 người. Trong số 20.600 người học sơ cấp và dưới 3 tháng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thì có tới 10.381 người học lái xe (phần lớn người học lái xe để đáp ứng nhu cầu điều khiển phương tiện của gia đình để đi lại thuận lợi hơn chứ không phải để tìm việc làm).
Khó khăn nhất trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là với hệ cao đẳng, trung cấp chủ yếu là do hiện nay các trường đại học công lập, dân lập quá nhiều, việc đi học đại học không còn khó khăn như trước. Trong khi tâm lý của gia đình và học sinh đều thích con, em mình đi học đại học. Ngay cả các trường phổ thông cũng đưa số lượng học sinh đỗ đại học trở thành thành tích của mình. Trên các phương tiện thông tin đại chúng khi tuyên truyền về tấm gương học tập, gia đình hiếu học hầu như chỉ chú trọng đến thành tích đỗ vào trường đại học... Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ là lựa chọn sau cùng của học sinh sau tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, trên thực tế tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học có việc làm thấp hơn số học sinh tốt nghiệp ở các trường đào tạo nghề.
Bởi vậy, để phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, của xã hội thì việc đầu tư thu hút học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần được tăng cường hơn nữa, trong đó có việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay khi đang học ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền thay đổi tư duy, tâm lý của học sinh và gia đình trong vấn đề theo học tại các cơ sở đào tạo nghề hiện nay.
Bài, ảnh: Thu Nguyệt
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()