Nỗi đau và trách nhiệm
Có lẽ trong gần 2 năm qua, nỗi đau, sự mất mát lớn nhất của cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, là sự hy sinh, vĩnh viễn ra đi của gần 5,2 triệu người do đại dịch Covid-19 hoành hành. Toàn cầu tính đến ngày 25/11 đã ghi nhận 259,5 triệu ca mắc và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Nhiều nước tiếp tục phải phong toả toàn quốc vì lo ngại dịch Covid-19 có thể bùng phát mạnh mẽ vào mùa đông.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, sâu sắc đến tính mạng, sức khoẻ, đời sống, kinh tế - xã hội trong cả nước. Kể từ đầu dịch đến ngày 25/11, Việt Nam có 1.155.778 ca mắc Covid-19. Trong số đó đã có 24.243 người vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau, sự mất mát, thương nhớ vô cùng lớn.
Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát gây tổn thất nặng nề về mọi mặt. Dù toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã vào cuộc hết sức quyết liệt với tinh thần "chống dịch như chống giặc", từ xa, từ sớm, từ cơ sở, luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, thế nhưng dịch bệnh quá mạnh mẽ, khốc liệt, với sự lây lan nhanh và chưa có tiền lệ, đã cướp đi sinh mệnh của hơn 24.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ trên cả nước, để lại nỗi đau tận cùng cho người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Dịch bệnh đã khiến hàng chục nghìn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng nghìn trẻ em bỗng nhiên mồ côi cha, mẹ. Nhiều người không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn, những nỗi đau xé lòng, day dứt của những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi nghe thông tin người thân đã mất, chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Trong muôn vàn nỗi mất mát, đau thương ấy, có những người là chiến sĩ, y, bác sĩ xung phong, tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch, để rồi thầm lặng hy sinh để giành lại sự sống cho đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp.
Để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì dịch Covid-19, sẻ chia nỗi đau, mất mát với gia đình, người thân của họ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành vừa tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Đây có lẽ là nguyện vọng, mong muốn của toàn thể nhân dân cả nước và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam với nỗi đau, mất mát, đau thương của đồng bào và lan tỏa tình nhân ái. Đồng thời tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Qua Lễ tưởng niệm này như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta, mỗi đồng bào ta về nỗi đau, sự mất mát, đau thương đã, đang xảy ra và trách nhiệm của mỗi người dân trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” còn ở phía trước.
Hiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước khi mỗi ngày ghi nhận trên dưới 10.000 ca mắc mới. Đơn cử như tính từ 16h ngày 23/11 đến 16h ngày 24/11, cả nước ghi nhận 11.811 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành phố. Từ 16h ngày 22/11 đến 16h ngày 23/11, cả nước ghi nhận 11.132 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành phố.
Covid-19 - Kẻ thù vô hình không loại trừ bất kỳ ai. Nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và tiếp tục gây ra những tổn thất, mất mát nặng nề, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Chính vì vậy, từ nỗi đau ấy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ cuộc sống của chính mình cùng người thân và toàn thể đồng bào, qua đó chia lửa, động viên với lực lượng tuyến đầu, góp phần cùng cả nước sớm khống chế dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân.
Ý kiến ()