Nỗi đau tai nạn giao thông nghiêm trọng do bia, rượu
Mới đây, ngày 8/7, tại địa bàn phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương. Cụ thể, vào khoảng 19 giờ 10 phút, tại km7+800, trên tỉnh lộ 335 (khu 4, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái), anh Nguyễn Văn C (trú tại phường Bình Ngọc) điều khiển xe máy đã lao vào nhóm trẻ em đang đi cùng chiều phía bên phải đường, trong đó có một trẻ em khoảng 2 tuổi đang ngồi trên xe đẩy.
Vụ tai nạn khiến người điều khiển xe máy và cháu bé 2 tuổi bị tử vong, các cháu còn lại bị thương, trong đó có một cháu bị thương nặng gẫy chân và có nguy cơ bị chấn thương sọ não.
Bước đầu qua khám nghiệm hiện trường và điều tra sơ bộ vụ tai nạn, cơ quan chức năng của TP Móng Cái nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do người điều khiển xe máy trước đó đã sử dụng bia, rượu, dẫn tới không làm chủ được tốc độ, tay lái, thiếu quan sát nên đã đâm vào nhóm trẻ em đang đi trên đường...
Cũng liên quan đến bia, rượu, cách đây không lâu, ngày 2/6, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra ở TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Vụ tai nạn xảy ra khi một chiếc xe ô tô va chạm với một mô tô khiến cả gia đình gồm vợ, chồng và con gái đi trên xe mô tô tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do lái xe ô tô điều khiển xe tham gia giao thông trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định ở mức cao...
Theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nước ta. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Và thực tế con số này đang có chiều hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, khiến 85 người thiệt mạng và 77 người bị thương...
Thời gian qua, triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nhiều thông điệp, khẩu hiệu hành động đã được nêu ra và truyên truyền, như "Đã uống rượu, bia thì không lái xe"; "Phía trước tay lái là tính mạng"...Thế nhưng hiệu quả của việc thực hiện các khuyến cáo, thông điệp nói trên còn rất hạn chế. Minh chứng cụ thể là tuy số người nhận thức được và chấp hành có tăng, nhưng số người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện vẫn còn nhiều và khá phổ biến. Chính vì vậy nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu dẫn đến chết người vẫn xảy ra ở nhiều địa phương...
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Và sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng luôn để lại sự lo lắng cho mọi người, xã hội cảm thấy bất an khi tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông thường xuyên xảy ra. Hậu quả để lại sâu mỗi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là nỗi đau, nỗi ám ảnh đối với nhiều người, nhất là với các gia đình, người thân của những người bị tử vong...
Thực tế cho thấy, pháp luật cũng như các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đã luôn được điều chỉnh, bổ sung theo hướng siết chặt, tăng nặng mức xử phạt bằng tiền cùng các hình thức xử phạt bổ sung khác như tước giấy phép lái xe, thậm chí phạt tù nếu đặc biệt nghiêm trọng, thế nhưng dường như những quy định này vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục...
Vì vậy, để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn liên quan đến bia, rượu, thì bên cạnh việc tiếp tục nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông bằng nhiều biện pháp, cách thức hiệu quả, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Từ đó áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc ở mức cao nhất để làm bài học, kinh nghiệm cho nhiều người.
Ý kiến ()