
Nỗi buồn phượng vĩ
Có lẽ câu chuyện về cây phượng vĩ già bật gốc, đổ gục tại sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) làm một học sinh thiệt mạng và nhiều học sinh bị thương, khiến các phụ huynh, học sinh, nhà trường trong cả nước không khỏi lo ngại cho sự an toàn của học sinh khi đến trường.
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà thời gian qua, sự cố cây phượng cổ thụ bị bật gốc, đổ xuống sân trường cũng xảy ra tại một số địa phương như Đắk Lắk, Bình Dương… càng làm cho sự lo lắng tăng lên gấp nhiều lần.
Từ bài học của Trường THCS Bạch Đằng, lo ngại cho sự an toàn của học sinh, nhiều trường học trên địa bàn cả nước đã tiến hành chặt bỏ cây xanh lớn trong khuôn viên nhà trường. Thế nhưng, việc làm này lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, học sinh, cùng các chuyên gia giáo dục.
Nhiều phụ huynh cho rằng, sau tai nạn đau lòng tại Trường THCS Bạch Đằng thì việc các trường “cảnh giác” là điều đương nhiên. Tuy nhiên, các trường không nên phản ứng thái quá bằng việc chặt hay thay thế hàng loạt cây xanh cùng một lúc. Bởi cây xanh là một phần thiết yếu của trường học. Ngoài việc tạo bóng mát cho sân trường còn là kỷ niệm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, giáo viên, chứng kiến bao vui buồn của tuổi học trò. Cây xanh còn lọc không khí, đem lại cảm giác thoải mái cho học sinh sau nhưng giờ học căng thẳng... Trong sân trường, cây xanh còn là không gian học tập, sinh hoạt của học sinh.
![]() |
Cây phượng vĩ già bật gốc, đổ gục tại sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đè trúng nhiều học sinh. Ảnh: VTV |
Còn nhớ ở TP Hạ Long, thời gian trước, Trường THPT Hòn Gai có chặt bỏ cây phượng gù nhiều chục năm tuổi vì nhà trường cho rằng cây đã quá già, thân xuất hiện nhiều chỗ ruỗng mục, chính vì vậy có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho học sinh. Thế nhưng, việc chặt bỏ cây phượng gù đã nhận được sự phản ứng trái chiều của hàng chục thế hệ học sinh nhà trường. Bởi cây phượng gù đó đã gắn bó với bao thế thệ học trò, chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm, như thân hình của nó vậy, cứ mỗi lớp học trò rời xa mái trường là cây lại như gù thêm vì “cõng” trên lưng biết bao kỷ niệm.
Nhưng rồi, các thế hệ học trò của Trường THPT Hòn Gai cũng dần hiểu ra, cây phượng gù đã quá già, nó hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình với mái trường thân yêu, với bao thế hệ học trò. Giờ là lúc phượng gù kết thúc cuộc hành trình đẹp và rời xa mái trường. Bởi nếu nó còn đứng đó với thân hình cằn cỗi, già nua, rồi có lúc bao kỷ niệm đẹp có thể tan biến khi nó đổ xuống gây tổn hại cho học sinh như cây phượng già ở Trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) vậy.
Cũng như cây phượng gù Trường THPT Hòn Gai, cây xanh là phần không thể thiếu ở tất cả trường học trong cả nước. Chính vì vậy, việc một số trường cho chặt bỏ cây xanh đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều phụ huynh, học sinh. Họ cho rằng nhà trường cần bình tĩnh, tính toán kỹ càng hơn, nên kiểm tra toàn bộ cây trong khuôn viên, cây nào có dấu hiệu bị sâu bệnh thì xem xét cứu chữa, trường hợp quá già, mục ruỗng thì chặt bỏ, trồng cây mới thay thế. Nhà trường nên phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng cây xanh trước khi đốn hạ, cắt tỉa, cây nào hỏng, bệnh thì cưa bỏ, cây nào còn tốt, an toàn thì nên giữ lại.
Chặt cây xanh vô tội vạ không phải là giải pháp tối ưu đảm bảo an toàn trường học, mà còn ảnh hưởng đến đời sống học đường của học sinh. Bởi chặt bỏ thì rất nhanh, nhưng trồng, chăm sóc cây xanh để cho bóng mát phải tốn cả chục năm. Việc trồng, chăm sóc cây xanh trong trường còn giáo dục cho học trò biết yêu và bảo vệ thiên nhiên, hòa nhập với môi trường sống mà không bài giảng, sách vở nào có thể truyền tải hiệu quả bằng.
Có thể thấy, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong nhà trường là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nhà trường cần liên hệ với đơn vị liên quan tiến hành xem xét tình trạng cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ…, tránh việc đốn bỏ hàng loạt cây xanh trong trường. Phải làm sao vừa giữ được cây xanh, bóng mát, vừa bảo vệ an toàn cho học sinh – đó mới là giải pháp tối ưu cần làm ngay.
Thái Bình
Ý kiến ()