
Những đồ uống khiến thận tổn thương nếu sử dụng thường xuyên
Ngoài các nguyên nhân như tăng huyết áp, thói quen ăn uống và loại đồ uống tiêu thụ thường xuyên cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thận.
Dưới đây là 4 loại đồ uống phổ biến nhưng nếu dùng quá mức, lâu dài, có thể gây tổn thương thận.
Nước ngọt có gas và nước tăng lực
Các loại nước ngọt, nước tăng lực chứa nhiều đường tinh luyện (fructose) và phosphat vô cơ.
Khi dung nạp quá nhiều, lượng đường cao làm tăng đề kháng insulin, dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa và làm nặng thêm tổn thương thận.
Uống trên 1 lon nước ngọt/ngày liên quan tới tăng 23% nguy cơ giảm chức năng lọc cầu thận (eGFR).
Báo cáo của National Kidney Foundation cảnh báo phosphat trong nước ngọt thúc đẩy calci hóa mạch máu thận, gây suy giảm chức năng thận về lâu dài.
Đồ uống có cồn (bia, rượu)
Rượu bia khi vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa thành acetaldehyde, đồng thời gây lợi tiểu mạnh, làm mất nước và điện giải.
Việc uống nhiều lần trong tuần khiến thận phải hoạt động quá tải để đào thải độc chất, lâu dài dễ dẫn đến viêm thận và tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ chính của suy thận.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, uống rượu thường xuyên không chỉ gây hại gan mà còn tăng nguy cơ bệnh thận mạn, đặc biệt ở người có sẵn bệnh nền.
Trà sữa và cà phê pha sẵn nhiều đường
Trà sữa hay cà phê pha sẵn thường chứa lượng lớn đường, kem béo và chất phụ gia.
Lượng đường cao làm tăng lọc glucose qua thận, gây stress ôxy hóa trên tế bào thận. Oxalat trong trà đậm đặc có thể liên kết với calci, hình thành sỏi thận nếu tiêu thụ thường xuyên.
Nên hạn chế trà đậm và đồ uống công nghiệp ngọt để giảm nguy cơ sỏi thận và giảm tải công việc cho thận.
Đồ uống năng lượng giàu caffein
Các loại đồ uống năng lượng chứa hàm lượng caffein cao (160-300 mg/ lon).
Caffein làm co mạch, tăng huyết áp tạm thời và lợi tiểu, dẫn tới mất nước và hạ kali máu.
Dùng nhiều đồ uống năng lượng lâu dài có thể làm trầm trọng tình trạng cao huyết áp và tổn thương thận.
Lời khuyên bảo vệ thận qua đồ uống hằng ngày: Ưu tiên nước lọc, nước khoáng tự nhiên, nước dừa hoặc trà thảo mộc nhạt.
Hạn chế nước ngọt, đồ uống công nghiệp dưới 1 lần/tuần.
Kiểm soát lượng cồn ở mức an toàn (theo WHO: không quá 1 đơn vị cồn/ngày với nữ, 2 đơn vị với nam).
Đọc kỹ nhãn sản phẩm, tránh đồ uống nhiều đường và phụ gia.
Ý kiến ()