Những bước tiến mới của ngành thủy sản sau tái cơ cấu
Thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, hằng năm mang lại sản lượng đánh bắt, nuôi trồng lớn. Thủy sản cũng là ngành có quan hệ mật thiết với bảo vệ nguồn lợi biển, môi trường, bảo vệ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên các vùng biển.
Tìm hướng vươn ra biển lớn
Năm 2014, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU "Về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Nghị quyết được xem như cú huých quan trọng để phát triển thủy sản Quảng Ninh. Cùng với đó, tỉnh có nhiều quyết sách về thủy sản, được coi là khung pháp lý quan trọng để thủy sản Quảng Ninh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành.
Tác động từ những chính sách của tỉnh đã định hình rõ nét chiến lược phát triển thủy sản Quảng Ninh là tăng nuôi trồng thủy sản (NTTS), giảm khai thác thủy sản (KTTS). Trong đó, trong NTTS, tăng nuôi công nghiệp, công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh; KTTS, tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ…
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Quảng Ninh đã giảm hàng nghìn tàu KTTS nhỏ, lạc hậu, nhường chỗ cho những con tàu hiện đại, vươn ra đánh bắt ở vùng lộng, vùng khơi, làm chủ ở các ngư trường lớn. Đây chính là tái cơ cấu đội tàu KTTS của tỉnh. Tính đến tháng 8/2022, đội tàu cá của tỉnh là 6.250 chiếc; trong đó trên 700 tàu công suất trên 90CV, có khả năng KTTS vùng khơi. Phần lớn tàu KTTS vùng lộng, khơi được thiết kế, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ khai thác, giám sát, đảm bảo an toàn, trong đó 210 tàu dài trên 15m đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đội tàu KTTS của tỉnh năm 2021 mang về sản lượng trên 75.000 tấn; 7 tháng đầu năm 2022 đạt 44.000 tấn.
Các chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng vào lĩnh vực thủy sản của Quảng Ninh những năm 2016-2017 đã giúp Quảng Ninh có được những doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản hàng đầu cả nước.
Năm 2019, sau 2 năm khởi công, Tập đoàn Việt - Úc ra mẻ tôm giống đầu tiên sản xuất tại chỗ (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà), xóa điểm nghẽn về thiếu giống tôm của Quảng Ninh. Kể từ đó đến nay, mỗi năm Việt - Úc sản xuất trên 1 tỷ con tôm giống. 7 tháng năm 2022, Tập đoàn sản xuất trên 900 triệu con tôm giống. Việt - Úc đang hoàn thiện quy trình sản xuất tôm giống chịu lạnh, mục tiêu cung cấp ra thị trường vụ tôm đông 2022.
Phát triển ngành NTTS theo hướng xây dựng các mô hình nuôi có hàm lượng công nghệ khoa học cao ngày càng được hiện thực hóa. Toàn tỉnh hiện có 5.000ha NTTS công nghiệp, giá trị mỗi ha nuôi công nghiệp cao gấp hàng chục lần so với nuôi thông thường. Riêng con tôm nuôi, 1ha công nghiệp gấp 70 lần so với 1ha quảng canh.
Con tôm Quảng Ninh đang phát huy vai trò của một trong những đối tượng nuôi chủ lực, đến nay đạt 4.000ha nuôi công nghiệp/tổng số 7.000ha nuôi. Năm 2021 sản lượng tôm nuôi Quảng Ninh đạt gần 17.000 tấn, giá trị mang lại khoảng 2.000/hơn 6.000 tỷ đồng toàn ngành Thủy sản. Năm 2022, lần đầu tiên Quảng Ninh đặt kế hoạch sản lượng cho riêng con tôm là 25.000 tấn.
Cùng với con tôm, các đối tượng nuôi khác của Quảng Ninh đều cho sản lượng, giá trị cao, góp phần để tổng sản lượng NTTS toàn tỉnh năm 2021 là 74.520 tấn; 7 tháng năm 2022 hơn 48.000 tấn.
Những chuyển động của KTTS và NTTS đã tạo nên nền kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển. Năm 2021, Quảng Ninh đạt tổng sản lượng thủy sản 149.900 tấn; trong đó khai thác trên 75.300 tấn, nuôi trồng 74.600 tấn. 7 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 98.000 tấn. Ngành Thủy sản Quảng Ninh đang tạo việc làm và thu nhập cho gần 55.000 lao động.
Chú trọng phát triển bền vững
Cùng với đẩy mạnh khai thác, NTTS, ngành Thủy sản tỉnh chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (ngày 1/9/2017) "Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" được coi là hành lang pháp lý quan trọng giúp tăng cường công tác quản lý các nghề khai thác biển bảo đảm phát triển bền vững, tránh khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Từ khi chỉ thị có hiệu lực đến nay, hơn 100.000 lượt ngư dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ ngư trường; gần 5.000 trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng.
Cùng với đó, toàn tỉnh thả gần 42 triệu con giống thủy sản các loại về vùng nước tự nhiên; khoanh vùng 16 khu bảo vệ thủy sản. Tỉnh đang đẩy nhanh thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên), Khu bảo tồn Vịnh Hạ Long…
Kiên định với mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Thủy sản tỉnh dồn sức thay thế các loại vật liệu thiếu bền vững, thân thiện với môi trường bằng sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật tương đương HDPE; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo vừa để gỡ thẻ vàng EC, vừa phát triển bền vững. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã gỡ 6/7 nhóm cảnh báo của EC.
Tiếp tục giảm áp lực cho vùng ven bờ, đồng thời tạo dư địa phát triển cho ngành Thủy sản, định hướng nuôi biển được Quảng Ninh chỉ ra ngày càng cụ thể, thiết thực hơn. Tỉnh khuyến khích nuôi biển với những mô hình sử dụng vật liệu bền vững; nuôi thả các đối tượng nuôi giá trị cao tại các vùng vịnh kín; khuyến khích các mô hình nuôi có ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại tại các vùng biển mở, hở; khuyến khích các mô hình NTTS kết hợp du lịch trên biển…
Với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, thủy sản Quảng Ninh không chỉ tăng về sản lượng, về giá trị, mà đang hướng tới sự hiện đại, bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tỉnh, trở thành xương sống, trụ đỡ toàn ngành Nông nghiệp.
Từ nền tảng này, thủy sản Quảng Ninh tự tin với chiến lược vươn ra biển lớn, định hình rõ bước phát triển thủy sản gắn với du lịch, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi biển, NTTS gắn với bảo vệ môi trường biển, kinh tế thủy sản gắn với đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Ý kiến ()