Nhìn thẳng vào một sự thật khủng khiếp
Hành động ấy của bà cụ gợi lại hình ảnh bà lão hàng nước trong truyện cổ tích Tấm Cám bao đời ấp ủ khát vọng nhân văn của xã hội ta, không chỉ giải cứu cho một cô “nô lệ”, mà còn giải tỏa cho sự bức xúc xã hội, làm quang quẻ bớt đi sự ngột ngạt của hành vi tội ác kéo quá dài, dày xéo lên thân phận một con người.
Phường Nhân Chính, làng Mọc ngày xưa nổi tiếng về đất văn vật, với những địa danh nổi tiếng một thời: Mọc Cự Lộc, Mọc Quan Nhân. Thế mà vào đầu thế kỷ XXI của thời đại văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức, lại nhục nhã mọc ra một “địa ngục trần gian” dành cho một thân phận con người. Cô gái quê xinh đẹp ấy bị dày vò, đánh đập, tra tấn từ khi lạc bước vào thủ đô, mỗi ngày phải làm việc từ mờ sáng đến đêm khuya để rồi bị hành hạ, đánh đập dã man cũng từ mờ sáng đến đêm khuya như vậy. Mà càng mờ sáng và đêm khuya thì lại càng dễ bị hành hạ tàn nhẫn, khủng khiếp nhất. Chả thế mà suốt 13 năm, kể từ lúc lên 10, Bình chỉ mơ ước được có một ngày không bị hành hạ đánh đập, cho đến khi được giải cứu. Vào ngày thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian” ấy, thân thể cô gái còn bầm tím, đầy những vết lở loét, mưng mủ bởi trận đòn vừa diễn ra lúc 3 giờ sáng.
Khi sự việc được báo chí phanh phui, công luận phẫn nộ lên tiếng, các nhà chức trách vào cuộc, các tổ chức, đoàn thể tham gia, mới càng thấy ra một điều tưởng chẳng có gì mới mẻ: chúng ta đang có một lực lượng cực kỳ hùng hậu: cả một hệ thống chính trị đông đảo cùng với bộ máy quản lý Nhà nước ở cơ sở, nơi dễ thể hiện nhất tính chất “của dân, do dân và vì dân”, nơi sát dân nhất, hiểu rõ nhất nhu cầu, nguyện vọng và cuộc sống hằng ngày của từng người dân, kể cả những người vãng lai hay có đăng ký tạm trú, tạm vắng. Thế mà lực lượng hùng hậu ấy đã chịu bó tay. Đã giữ một sự im lặng kéo dài trong 13 năm! Đáng sợ không chỉ ở hành vi tàn độc của vợ chồng chủ quán, mà còn đáng sợ hơn ở chính “sự im lặng đáng sợ” đó!
Chắc chắn rằng thân phận em Bình, em bé nông thôn lạc bước vào nơi hang hùm nọc rắn không chỉ là hy hữu và cá biệt. Còn bao nhiêu thân phận “nô lệ”, còn bao nhiêu những mặt người dạ thú đang hành nghề, còn bao nhiêu những “động”, những “hang hùm nọc rắn” giam giữ hành hạ con người chẳng may sa vào tay chúng. Còn bao nhiêu như thế chưa được phanh phui? Từ một thực tế ở phường Nhân Chính, cái tên cao sang và hướng thiện biết bao của Hà Nội ngàn năm văn vật, mà có những tên “chủ nô” hành hạ một cô bé suốt ngần ấy năm trời, công luận hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi ấy.
Cuối cùng thì vợ chồng tên chủ quán phở cũng đã bị bắt, đã phải nhận tội. Cô Bình, người “nô lệ” sau 13 năm chịu sự hành hạ dã man cũng đang được chăm sóc, chữa trị. Nhưng sao mà cái con số 13 năm ấy khủng khiếp quá. 13 năm nhà chức trách im lặng, cả hệ thống chính trị im lặng, vì thế, nhiều bà con, tuy thương cháu Bình, nhưng “sợ phiền phức, không muốn dây với vợ chồng nhà ấy, đã có người lên tiếng đã bị chửi lại” nên nhiều người cũng lại phải im lặng. Vì sợ sự nanh nọc của vợ chồng chủ quán phở, “chợ búa phức tạp lắm nên không dám dây”, bà con thương cảm cũng chỉ dám thỉnh thoảng lén lút an ủi, giúp đỡ cháu bé.
Thế là, tuy sống ngay giữa Hà Nội chứ không phải nơi rừng rú, một bé gái phải kéo dài cuộc đời nô lệ đau thương từ lúc còn tuổi nhi đồng cho đến tuổi thanh niên vì sự im lặng đáng sợ của các nhà chức trách, và vì nỗi sợ cũng đáng sợ không kém của bà con lối phố do hiểu được sự im lặng ấy nên không dám đấu tranh với cái ác diễn ra trước mắt mình. Khi mà tội ác được ngang nhiên hoành hành, khi mà lực lượng đấu tranh chống lại cái ác trong cộng đồng không nhận được sự hậu thuẫn của bộ máy quản lý Nhà nước và của cả hệ thống chính trị đầy đủ lệ bộ trên địa bàn dân cư, thì điều ấy còn đáng lo hơn trăm ngàn những tên “chủ nô” tàn ác kia.
Đây là nỗi đau của cả cộng đồng, nỗi đau không của riêng ai!
Chịu nỗi đau để chúng ta dám nhìn thẳng vào nỗi đau ấy mà nghiêm túc xem lại, rà soát lại bộ máy quản lý Nhà nước ở cấp cơ sở, xem lại sức mạnh và chức năng thật sự của hệ thống chính trị, trong đó có các đoàn thể, tổ chức ở cơ sở, nơi đang nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen về “xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư” mà e rằng phường Nhân Chính chắc cũng có!
Phải dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật đó để khởi động ngay những hành động thiết thực có ý nghĩa trực tiếp, và nhất là phải có ý nghĩa lâu dài, cơ bản của việc đổi mới bao gồm sự thanh lọc, tuyển chọn và củng cố bộ máy quản lý Nhà nước cùng với hệ thống chính trị từ cấp cơ sở.
Một cụ già 70 tuổi đã làm được cái việc mà cả lực lượng hùng hậu kia không làm được! Hãy nhìn thẳng vào sự thật đó!
Ý kiến ()