Nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Ngay sau bão số 3, Quảng Ninh đã nhanh chóng khắc phục hậu quả và sớm trở lại mọi hoạt động với mục tiêu lớn đó là tái thiết các hoạt động kinh tế nhằm ổn định sản xuất. Để tăng tính “trợ lực” tỉnh đang gấp rút triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có 3 cuộc họp làm việc với Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng diễn ra cả trong đêm; các văn bản liên tiếp gửi Chính phủ, Chủ tịch các ngân hàng, đề nghị chỉ đạo tháo gỡ, thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng do bão số 3. Trong đó, đề xuất tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ, triển khai các chính sách cho vay mới bằng các gói tín dụng…
Đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội, việc khôi phục lại sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay. Với mục tiêu “trợ lực” cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng tái khởi động sản xuất, bên cạnh việc báo cáo Chính phủ, làm việc với các tổ chức tín dụng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thuộc thẩm quyền; thực hiện xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế có độ phủ rộng, nhằm tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh kết hợp khắc phục những điểm yếu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài.
Song song với đó, tỉnh thực hiện cấp bổ sung cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) số tiền là 180 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, có hướng dẫn cụ thể để nhân dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các chính sách mới khi tái kiến thiết hoạt động sản xuất.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả nặng nề sau bão, Quảng Ninh tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP (ngày 9/1/2017) về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp và điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại.
Cùng với đó, bổ sung đối tượng các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó đối tượng khách hàng đang kinh doanh tàu dịch vụ, du lịch trên Vịnh Hạ Long… bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 được hưởng chính sách khoanh nợ tương tự như đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thời gian khoanh nợ khoảng 2 năm. Tỉnh sẽ cân đối nguồn lực để thực hiện xử lý tiền lãi theo quy định của chính sách do Trung ương ban hành.
Tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay mới để khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời có cơ chế về cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo, có cơ chế riêng xử lý rủi ro để tạo hành lang pháp lý và khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; chính sách cho vay bổ sung để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng đang có dư nợ tại Ngân hàng CSXH. Đồng thời, đề nghị Bộ GT-VT sớm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành quy định về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm do cơn bão số 3.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh quan tâm định hướng, ưu tiên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Cụ thể, đối với ngành Du lịch, sẽ phát triển đội tàu du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng các điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn; bám sát các định hướng, quy hoạch, tầm nhìn để áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ hóa, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. Tỉnh lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn; đầu tư khai thác than xuống sâu, đồng bộ hóa và nâng cấp công nghệ sản xuất chế biến than...
Những chính sách, nguồn lực của tỉnh được triển khai ngay sau bão số 3 thể hiện sự chia sẻ của chính quyền địa phương, hỗ trợ phần nào những thiệt hại, khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Ý kiến ()