
"Nhật ký trong tù" và hành trình lan tỏa quốc tế
Vượt qua mọi giới hạn thời gian và không gian, tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lay động lòng người Việt mà còn chạm đến cảm xúc độc giả toàn cầu.
Công trình sưu tầm của tác giả Võ Xuân Quế về các bản dịch nước ngoài là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ và giá trị nhân văn, nghệ thuật trường tồn của tác phẩm.
Hành trình hơn nửa thế kỷ lan tỏa đến năm châu
"Nhật ký trong tù" - tập thơ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Tưởng Giới Thạch (1942-1943) - là biểu tượng của ý chí kiên cường, tâm hồn nhân đạo và trí tuệ cách mạng. Với 133 bài thơ bằng chữ Hán, tác phẩm thể hiện tinh thần lạc quan, lòng yêu nước, khát vọng tự do và tình thương con người.
Từ bản chép tay đơn sơ, tập thơ đã được dịch ra ít nhất 37 ngôn ngữ với 62 bản dịch của 79 dịch giả trên toàn thế giới - theo công trình sưu tầm của TS Võ Xuân Quế. Mỗi bản dịch không chỉ chuyển ngữ mà còn truyền tải chiều sâu tư tưởng, cảm xúc và giá trị nhân văn của thi phẩm, thể hiện sự trân trọng của bạn bè quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác giả Võ Xuân Quế - người dành nhiều năm tìm hiểu, sưu tầm và giới thiệu các bản dịch "Nhật ký trong tù" cho biết, việc tiếp cận đủ 62 bản dịch là điều không hề đơn giản bởi chi phí, thời gian và điều kiện cá nhân hạn chế. Tuy vậy, ông đã cố gắng thu thập tối đa thông tin về tên bản dịch, dịch giả, nhà xuất bản, năm xuất bản và số lượng bài thơ hoặc số trang - những dữ liệu quý giá giúp các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm có thể tra cứu, tìm hiểu và tiếp tục bổ sung.
Một trong những điều thú vị mà ông phát hiện là có đến ba bản dịch tiếng Tây Ban Nha khác nhau của "Nhật ký trong tù", thay vì chỉ một bản như trước đây Việt Nam từng biết đến (do một nhà thơ Cuba dịch). Thậm chí, còn có hai bản dịch bằng ngôn ngữ thiểu số ở Tây Ban Nha là Basque và Galicia. Những vùng văn hóa rất xa Việt Nam cả về địa lý và truyền thống này lại dành sự quan tâm đặc biệt đến một tác phẩm thi ca của vị lãnh tụ cách mạng đến từ phương Đông.
Góc nhìn khác từ bạn đọc quốc tế
Không chỉ giúp lan tỏa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhà Cách mạng, các bản dịch "Nhật ký trong tù" còn giúp độc giả quốc tế nhận ra một khía cạnh khác của Người - một thi sĩ, một nghệ sĩ với trái tim nhạy cảm, trí tuệ sâu sắc và lối tư duy đầy triết lý nhân sinh. Điều này được minh chứng rõ nét qua các bài viết, lời giới thiệu và nhận định đi kèm trong nhiều bản dịch.
Chẳng hạn, tờ The Nation (Mỹ) năm 1968 từng đăng bài viết với tiêu đề: "The Vietnamese leader is also a poet - Vị lãnh tụ của Việt Nam cũng là một nhà thơ", từ bản dịch tiếng Anh "Prison Diary". Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam đang ở giai đoạn cam go, nhưng người Mỹ vẫn tìm thấy trong những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh một giá trị vượt lên trên chiến tuyến - đó là nhân tính, là nghệ thuật, là vẻ đẹp của tinh thần tự do và lòng kiên cường trong nghịch cảnh.
Vợ chồng dịch giả bản tiếng Ba Lan, trong Lời nói đầu của bản dịch, đã viết: "Với những bài thơ ngắn, thường chỉ bốn câu, Hồ Chí Minh đã vẽ nên những bức tranh chân thực về sự đau khổ của mình và các bạn tù một cách hài hước và thâm thúy. Những bài thơ súc tích của Người là những kiệt tác nhỏ".
Trong khi đó, dịch giả tiếng Galicia - người mất đến 7 năm để hoàn thành bản dịch chia sẻ: "Bất chấp khổ đau, bệnh tật và những nỗi ghê sợ vây quanh mình, Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sức mạnh để viết nên những bài thơ lạc quan và hài hước. Những bài thơ ngắn được ông dệt nên một cách tài tình trong bóng tối của phòng giam. Nhà thơ và nhà cách mạng hòa quyện là một trong ông".
"Nhật ký trong tù" không chỉ là tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử đặc biệt của Việt Nam mà còn là di sản thi ca mang tầm vóc quốc tế. Những bản dịch tâm huyết của các dịch giả toàn cầu đã góp phần đưa hình ảnh Hồ Chí Minh - nhà thơ, con người nhân văn - đến gần hơn với nhân loại.
Công trình "Nhật ký trong tù" bằng tiếng nước ngoài của Võ Xuân Quế (NXB Thông tin & Truyền thông, 3.2025) là đóng góp quan trọng về văn học, lịch sử, văn hóa và ngoại giao nhân dân. Tác phẩm mở ra hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, khẳng định vị thế toàn cầu của thi phẩm trong kho tàng văn học thế giới.
Ý kiến ()