
Những nhà văn áo lính của Quảng Ninh
Trong lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh Quảng Ninh, có nhiều văn nghệ sĩ từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia đoàn văn công đi vào mặt trận biểu diễn; nhiều cựu chiến binh trở lại đời thường vẫn theo đuổi đam mê sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT). Họ đã đóng góp thành tựu vào sự phát triển của VHNT tỉnh nhà đa thanh, đa ngôn…
Tôi chỉ xin “điểm danh” một số nhà văn trong lực lượng sáng tác VHNT ở Vùng mỏ Quảng Ninh có thành tựu là hế hệ các nhà văn đã từng khoác áo lính thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong lực lượng đông đảo hội viên Hội VHNT tỉnh có rất nhiều CCB từng tham gia các mặt trận, biên chế trong các quân binh chủng trong cuộc kháng chiến. Họ trở về đời thường, mỗi người đều có một công việc, một cuộc đời, nhưng tình yêu với VHNT thì luôn canh cánh bên lòng. Những khát khao được thỏa niềm đam mê cháy bỏng với con chữ đã thôi thúc họ viết và tái hiện cuộc sống qua các trang viết cho độc giả những thiên tiểu thuyết về chiến tranh, về hậu phương nhiều màu sắc.

TP Cẩm Phả có lẽ là địa phương trong tỉnh nhà văn CCB đông nhất, đó là Trần Ngọc Dương, Trọng Khang, Nguyễn Duy Liễm, Nguyễn Tùng Lâm... Các nhà văn đều có những đóng góp rất lớn và hiệu quả cho phong trào sáng tác văn học chung, bộ môn văn xuôi Quảng Ninh riêng. Nhà văn Trần Ngọc Dương đã xuất bản hơn 10 đầu tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết, có giải thưởng trong và ngoài tỉnh.
Ở TP Đông Triều có nhà văn CCB Đinh Đức Cường, ông đã xuất bản tiểu thuyết “Một góc cuộc chiến”, đem đến cho độc giả được tường tận thêm về bức tranh chiến tranh tại chiến trường Tây Nguyên mà tác giả là người trong cuộc. Tác giả thơ CCB Trần Quang Thanh vẫn miệt mài với thể tài thơ, ông đã xuất bản mấy tập thơ và luôn đau đáu với đề tài người lính. Ông tham gia các hoạt động của Hội CCB, Hội Truyền thống Trường Sơn ở tỉnh, ở địa phương và rất nhiệt huyết với việc tổ chức các hoạt động hữu ích “về nguồn” hằng năm. Các nhà văn, nhà thơ từng khoác áo lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở TP Hạ Long có Ngô Hải Đảo, Đỗ Đăng Hành, Đoàn Đức Chính, Phùng Ngọc Dũng. Ở TP Uông Bí có nhà thơ Trần Quang Ngân, ở TP Đông Triều có nhà thơ Lý Thành Lương.

Ở TX Quảng Yên có các nhà thơ Lê Hữu Lịch, Lê Duy Thái, Lương Liễm…, mỗi người có những thế mạnh riêng. Nhà thơ Lê Duy Thái là thương binh, CCB, gắn bó với mặt trận Quân khu 5 đầy khói lửa. Hết chiến tranh ông cũng như bao đồng đội trở về tiếp tục học hành, phấn đấu, làm Phó Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh, rồi nghỉ hưu. Ông năm nay đã qua tuổi 80, nhưng vẫn nhiệt huyết, niềm đam mê thi ca đắm say kiệt cùng. Năm 2024 ông xuất bản tập thơ "Thơ viết giữa chiến trường" đầy chất bi hùng, mùi lửa đạn chiến tranh. Nhà văn CCB Lương Liễm ở TX Quảng Yên đã xuất bản mấy tập tiểu thuyết, thơ, tập truyện ngắn. Cũng giống nhiều bạn bè đồng đội khác, ông vẫn chung thủy với đề tài chiến tranh và người lính. Mỗi tác giả đều có những đóng góp nhất định vào phong trào sáng tác văn học của tỉnh trong hành trình 50 năm qua (1975-2025). Trong số các nhà văn từng mặc áo lính đó đã có nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sở hữu bộ giải thưởng văn học lớn của tỉnh, của quốc gia…
Tác giả bài báo này có cơ duyên công tác ở Hội VHNT tỉnh, trong quá trình làm việc đã đồng hành cùng các văn nghệ sĩ Quảng Ninh trên nhiều góc độ khác nhau. Những CCB vẫn có sức khỏe tốt, những thương binh nặng vẫn đang tận hiến kiệt cùng năng lực sáng tác của mình trên trang viết. Viết là nhu cầu tự thân, viết là mong được cống hiến cho cuộc đời những câu chuyện của các nhà văn một thời mặc áo lính, là nhân chứng sống trong từng giai đoạn lịch sử mà họ đã đi qua. Lớp tác giả từng là người lính, viết văn làm thơ là hội viên nam giới thì nhiều, nhưng nữ thì thật hiếm hoi. Trong rừng cây lực lượng nhà văn cựu binh sáng tác văn học có duy nhất nữ nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa có nhiều thành tựu sáng tác, thơ chị đã đoạt Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long, là Nghệ sĩ Vùng mỏ được vinh danh đợt đầu tiên của tỉnh.
Có 2 nhà văn là thương binh nặng 1/4 là Nguyễn Tùng Lâm ở TP Cẩm Phả và Đỗ Đăng Hành ở TP Hạ Long. Cả 2 nhà văn bắt đầu viết trở lại khi tuổi đã sắp 60, mặc dù biết mình đã “thân tàn, lực kiệt”, nhưng đã sáng tác không ngừng nghỉ. Nhà văn Nguyễn Tùng Lâm chỉ trong khoảng 10 năm tập trung sáng tác đã cho ra mắt 7 tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký sự. Ông không chỉ sáng tác tốt, mà còn giành các giải thưởng văn học của bộ, ngành và của tỉnh; thật sự là một tấm gương về lao động chữ nghĩa của một nhà văn cựu binh, thương binh nặng rất đáng trân trọng. Nhà văn Đỗ Đăng Hành đã có gia tài văn học đáng nể vừa tiểu thuyết, vừa thơ, đã xuất bản gần 20 tập sách trong khoảng thời gian từ khi ông bắt đầu sáng tác cũng chỉ 20 năm.
Tác giả thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh, người đã có mặt tại Dinh Độc Lập trưa lịch sử 30/4/1975. Ông nguyên là phó chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đã có hơn 15 đầu sách gồm các tác phẩm thơ và các công trình nghiên cứu dân gian. Là một người nghiên cứu văn hóa dân gian có nhiều đóng góp về mảng đề tài này ở Quảng Ninh, lĩnh vực ít người theo đuổi với nhiệt huyết đam mê như ông.
21 năm trước nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức cuộc thi viết về bộ đội. Một cuộc thi có ý nghĩa chính trị của tỉnh năm ấy, có một tác giả là CCB có tác phẩm giành giải nhất. Đó là tác giả Nguyễn Duy Liễm, sinh sống ở TP Cẩm Phả, bị di chứng chất độc da cam. Khi tôi được ban tổ chức phân công liên hệ, mời tác giả về nhận giải thưởng, anh năn nỉ "Đừng bắt tôi lên sân khấu có được không". Tôi bảo: "Anh phải lên sân khấu, giải nhất cơ mà, anh cứ mặc quân phục vào là đẹp hết!". Và tôi nhớ mãi hình ảnh người CCB gầy ốm hôm ấy, sau cuộc nhận giải đó, tác giả đã trình làng liên tiếp các tác phẩm chủ yếu viết về đề tài chiến tranh, về hậu phương quân đội, về nhiều góc độ cuộc sống khác, thông qua các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký… Anh viết miệt mài như thể không còn thời gian để viết. 20 năm kể từ từ tác phẩm đầu tiên "Dòng sông trôi" được trao giải nhân 60 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (năm 2004), năm 2015 tiểu thuyết "Chiến tranh qua rồi" của tác giả được Bộ Quốc phòng trao giải thưởng; năm 2023 giải nhất giải Văn nghệ Hạ Long. Tôi nhận thấy, hai cái giải nhất sáng tác văn học của nhà văn Nguyễn Duy Liễm là một điều hiếm có trong hành trình sáng tạo của một nhà văn trong khoảng 20 năm đắm chìm với chữ nghĩa. Như thế để thấy sức lao động chữ nghĩa không hề dễ dàng đối với mỗi tác giả nói chung, với nhà văn CCB Nguyễn Duy Liễm nói riêng. Nhà văn Nguyễn Duy Liễm đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có 14 tác phẩm xuất bản, giành giải thưởng nhiều cấp bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh.

Trong đội ngũ nhà văn, nhà thơ từng khoác áo lính ấy, ngọn cờ đầu phải kể tới là nhà văn Dương Hướng với tiểu thuyết "Bến không chồng". Ông là niềm tự hào cho lực lượng văn học ở Quảng Ninh nói riêng. Một nhà văn, người lính đã đi qua cuộc chiến sinh tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, những ai quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, đều không thể không biết nhà văn Dương Hướng. Ông đã ở chiến trường Quân Khu 5 đầy khốc liệt những năm tháng đó. Khi trở lại đời thường, ông là nhân viên hải quan như muôn ngàn người khác, nhưng ký ức chiến tranh đã thôi thúc ông để tác phẩm "Bến không chồng" ra đời và làm “rung chuyển” văn đàn Việt Nam đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được coi như “một tiếng nổ” giữa không khí văn chương khi đó, một trong những tác phẩm văn học tiên phong của dòng văn học hậu chiến; là vấn đề “nóng” thời hậu chiến cả xã hội quan tâm đặt ra, sự “được và mất” của dân tộc sau khi kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại, đánh Pháp, đuổi Mỹ để non sông liền một dải; những người lính và hậu phương của họ, tái hiện bức tranh nông thôn đầy những trăn trở thời hậu chiến đầy khó khăn, lạc hậu. Cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim truyện nhựa cùng tên, chuyển thể phim truyền hình "Thương nhớ ở ai", giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. Tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý... Với cuốn tiểu thuyết này, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017 và nhiều giải thưởng khác. Nhà văn Dương Hướng hiện là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Ông vẫn là cây bút sung sức trên văn đàn với các tác phẩm được đánh giá là có sức nặng về đề tài chiến tranh và hậu chiến.
Trong số các nhà văn CCB của Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh còn một số tác giả vẫn lặng lẽ sáng tác và nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo văn học, như lớp cựu chiến binh, nhà văn sau năm 1975 là Trương Thiếu Huyền, Đinh Văn Thái, Nguyễn Đình Thái, Phạm Thái…
Nửa thế kỷ khi non sông liền một dải, trong dòng chảy lịch sử của đất nước nói chung, có sự góp mặt của các nhà văn Quảng Ninh bằng các tác phẩm văn học có giá trị, đã góp phần làm dầy thêm kho tàng văn học của tỉnh nhà.
Ý kiến ()