Người cao tuổi thời nay
Trong xu thế phát triển của xã hội, một trong những vấn đề mang tính toàn cầu rất được quan tâm, đó là sự “già hoá” dân số. Đây là hiện tượng tất yếu của xã hội hiện đại. Và như các chuyên gia dân số nhận xét, nó không phải là “gánh nặng” mà chính là thành tựu to lớn của loài người. Bởi chỉ khi cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần, được đảm bảo tốt hơn, thì tuổi thọ con người mới được nâng lên cao hơn.
Điều này chắc không nói thì ai cũng biết. Tuy nhiên, việc dân số “già hoá” cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội v.v.. cho người cao tuổi. Nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu cuộc sống người cao tuổi còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp sự biến đổi dân số theo xu hướng “già hoá” đang diễn ra với tốc độ rất nhanh hiện nay ở nước ta.
Về vấn đề này, đã có nhiều cuộc trao đổi, hội thảo, nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia đi sâu phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược. Ở đây, chỉ xin được bàn thêm đôi điều nhân lần đầu tiên Quảng Ninh triển khai mô hình nhà dưỡng lão tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đây là một đề án từng được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng phải đến tháng 5 vừa qua thì UBND tỉnh mới quyết định phê duyệt để triển khai. Và trước mắt, quy mô của mô hình cũng chỉ ở mức khiêm tốn là phục vụ cho số đối tượng là 20 người. Điều đó cho thấy sự cân nhắc cẩn trọng của những người xây dựng đề án; bởi lâu nay nhiều người vẫn hay có quan niệm, cho rằng nhà dưỡng lão là chỉ dành cho những người già không nơi nương tựa; vậy nên nếu ông bà, cha mẹ vào sống tại nhà dưỡng lão thì sẽ làm con cháu “mất mặt”... Rõ ràng, quan niệm này là lỗi thời, bởi cuộc sống hiện đại ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Với nhiều gia đình, tuy cuộc sống vật chất không thiếu thốn, nhưng điều kiện để con cháu phục vụ ông bà, cha mẹ chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu. Trong trường hợp ấy, việc ông bà, cha mẹ sống tại các nhà dưỡng lão với không gian, môi trường ưa thích của mình, có khi lại phù hợp hơn. Tất nhiên, nói như vậy không phải là để “cổ suý” cho việc con cháu “đẩy” ông bà, cha mẹ vào nhà dưỡng lão nhằm trốn tránh trách nhiệm, thoái thác đạo làm con, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, hãy nên coi việc người cao tuổi sống ở nhà dưỡng lão là “chuyện bình thường”, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện đại.
Chúng ta thường vẫn nói, chuẩn mực đạo đức văn hoá truyền thống là vốn quý, cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Nhưng bảo tồn như thế nào thì phải xem xét thấu đáo, không nệ cổ một cách máy móc mà cần có sự chọn lọc, thay đổi cho phù hợp với thực tế. Với cuộc sống người cao tuổi thời hiện đại cũng như vậy!
Trung Luận
Ý kiến ()