
Ngăn chặn hiểm họa ma túy
Ma túy - 2 từ gây bất an với gia đình, cộng đồng và xã hội. Bởi đối với bất kỳ một gia đình nào khi đã có người thân mắc nghiện ma túy, không chỉ là nỗi buồn, chán, lo lắng mà còn là những hiểm nguy rình rập đối với các thành viên khác trong gia đình, xã hội về những tác hại do ma túy tác động đến hành động của người nghiện. Hậu quả của ma túy đối với người nghiện không chỉ là tàn phá sức khỏe thể chất, tinh thần mà còn là mầm mống của các loại tội phạm nguy hiểm khác. Sự gia tăng của tệ nạn ma túy, kéo theo những phức tạp về trật tự an toàn xã hội, phá vỡ sự yên bình của người dân và là một trong những nguyên nhân tăng một số loại án hình sự và hoạt động phạm tội như: Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn nhớ ở thời điểm trước năm 2000 ma túy đã từng như cơn lốc ào vào các khu phố, rồi sau đó lan ra các làng quê. Những chàng trai mười tám đôi mươi vật vờ, vật vã góc phố, chợ làng đã trở thành nỗi ám ảnh nhiều địa phương. Sau thời gian im ắng, gần đây lại xuất hiện nhiều hơn những nam thanh, nữ tú “cắn” thuốc, “phê” thuốc bất kể nơi đâu, hành động điên rồ bất kể lúc nào.
Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc thì vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Tại Việt Nam, hiện nay chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 đến 64 tuổi), trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương, từ năm 2016, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện cao như Đồng Nai, Đà Nẵng và Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.
Riêng năm 2017, số người nghiện tăng thêm trên 11.000 người. Người nghiện có ở tất cả các địa phương, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Hàng năm, có khoảng 1.600 người nghiện tử vong do sốc quá liều, khoảng 50% người nghiện có vấn đề sức khỏe về tâm thần.
Theo các bác sĩ nếu như trước kia tại các bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin, thì khoảng chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn. Tuy nhiên, thay vào đó là tình trạng các ca ngộ độc những loại ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như: Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có phần nhiều lên. Các trường hợp vào viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, cả học sinh, sinh viên. Nhất là loại ma túy amphetamin tồn tại dưới dạng kẹo, đá, lắc rất nguy hiểm.
Chúng ta đều biết, tuổi trẻ bốc đồng, rất dễ tặc lưỡi thử một lần cho biết, nhất là khi tham gia tụ tập ở các đám đông, các sự kiện gây hưng phấn tinh thần. Nhìn kết quả test nhanh của cơ quan chức năng về các trường hợp vào cấp cứu khi tham gia Lễ hội âm nhạc Hồ Tây (TP Hà Nội) tối 16/9 cho thấy các nạn nhân dương tính với ma túy đá, ma túy tổng hợp, cần sa, thuốc lắc và chắc chắn một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết của 7 thanh niên tại Lễ hội cũng liên quan đến việc sử dụng các loại ma túy.
Ngăn chặn ma túy xâm nhập vào cộng đồng, xã hội nhất là với giới trẻ đang rất cần có sự quyết liệt hơn, mạnh tay hơn nữa của các lực lượng chức năng và toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động ở các tụ điểm ca nhạc, phòng hát, vũ trường, quán bar… và xử lý nghiêm đối với những vi phạm có liên quan đến sử dụng các loại ma túy.
Ngọc Lan
Ý kiến ()