
Netflix gây tranh cãi về vấn đề bản quyền khi sử dụng Gen AI trong phim gốc
Netflix lần đầu sử dụng Gen AI trong loạt phim gốc The Eternaut, giúp giảm chi phí nhưng lại làm dấy lên lo ngại về bản quyền trong ngành giải trí.
Netflix sử dụng Gen AI trong phim gốc
Netflix vừa xác nhận việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) trong loạt phim khoa học viễn tưởng The Eternaut của Argentina, đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trong một sản phẩm gốc của nền tảng, theo Indian Express.
CEO Netflix, ông Ted Sarandos, cho biết cảnh quay mô tả tòa nhà sụp đổ ở Buenos Aires trong The Eternaut là cảnh đầu tiên do Gen AI tạo ra và xuất hiện chính thức trong một chương trình gốc của công ty.
“Cảnh này được nhóm iLine, là bộ phận đổi mới sản xuất thuộc studio hiệu ứng Scanline nội bộ của Netflix phối hợp thực hiện cùng đội ngũ sáng tạo, sử dụng các công cụ hỗ trợ bởi AI”, ông Sarandos nói.
Theo ông Sarandos, việc ứng dụng Gen AI giúp hoàn thành phân cảnh nhanh gấp 10 lần so với quy trình truyền thống, đồng thời tiết kiệm chi phí đáng kể, là điều đặc biệt quan trọng với các dự án có ngân sách hạn chế như The Eternaut.
Tranh cãi về vấn đề bản quyền
Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong sáng tạo nội dung tiếp tục gây tranh cãi trong ngành công nghiệp giải trí.
Nhiều nhà phê bình cảnh báo rằng AI có thể tái sử dụng tác phẩm nghệ thuật của con người mà không có sự cho phép, đặt ra các vấn đề về bản quyền và đạo đức nghề nghiệp.
Gen AI cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đình công kéo dài của các biên kịch Hollywood năm 2023.
Theo thỏa thuận mới, các hãng phim bị cấm sử dụng AI để thay thế hoặc chỉnh sửa kịch bản do con người viết.
Các tổ chức và cá nhân trong ngành điện ảnh, đặc biệt là những người làm nghề thiết kế hình ảnh, họa sĩ storyboard và kỹ xảo điện ảnh cho rằng, việc sử dụng AI không chỉ đe dọa công ăn việc làm của các nghệ sĩ mà còn làm xói mòn giá trị sáng tạo chân chính.
Nghiêm trọng hơn, AI hiện nay thường được huấn luyện bằng dữ liệu hình ảnh sưu tầm từ internet, phần lớn không được sự cho phép của các tác giả, nên việc sử dụng sản phẩm do AI tạo ra có thể vô tình vi phạm bản quyền.
Hiệp hội biên kịch và họa sĩ Mỹ từng nhiều lần cảnh báo về việc Hollywood có thể lạm dụng công nghệ AI, dẫn đến việc các sản phẩm điện ảnh không còn là kết tinh của con người mà trở thành sản phẩm pha tạp dữ liệu.
Trường hợp của Netflix có thể trở thành tiền lệ xấu nếu các hãng khác nối gót sử dụng AI để tiết kiệm chi phí mà bỏ qua các vấn đề đạo đức và pháp lý.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ, nếu được kiểm soát hợp lý và minh bạch về nguồn dữ liệu, thì hoàn toàn có thể đồng hành cùng nghệ sĩ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt hiện nay là thiếu khung pháp lý rõ ràng để quy định bản quyền cho sản phẩm do AI tạo ra.
Dù Netflix chưa tiết lộ liệu hãng có tiếp tục mở rộng sử dụng Gen AI trong các phim sắp tới hay không, nhưng làn sóng tranh luận chắc chắn sẽ còn kéo dài, nhất là khi lằn ranh giữa sáng tạo và sao chép ngày càng trở nên mờ nhạt.
Dù vậy, Sarandos khẳng định Netflix không đánh mất cam kết cốt lõi: “Chúng tôi vẫn kể những câu chuyện tuyệt vời, bất kể công cụ nào được sử dụng”.
Ý kiến ()