Theo Thông tư 105/2023 của Bộ Quốc phòng áp dụng trong kỳ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025, việc phân loại sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ dựa trên hai tiêu chí chính: Thể lực và bệnh tật. Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự phải đạt sức khỏe loại 1, 2 hoặc 3.
Bộ Quốc phòng áp dụng cơ chế thang điểm để phân loại sức khỏe. Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám được cho điểm từ 1 đến 6, trong đó 1 là "rất tốt" và xuống dần đến 6 là "rất kém". Người đạt sức khỏe loại 1 là có tất cả chỉ tiêu đạt điểm 1; loại 2 ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 2; loại 3 ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 3; loại 4 là một chỉ tiêu bị điểm 4; loại 5 một chỉ tiêu bị điểm 5 và loại 6 là một chỉ tiêu bị điểm 6.
Về thể chất, Bộ Quốc phòng áp dụng chỉ số BMI (Body Mass Index) đánh giá tương quan giữa chiều cao và cân nặng để tuyển chọn. Công thức để tính BMI là Cân nặng kg ÷ (chiều cao m x chiều cao m).
Chỉ số BMI được tính điểm như sau: Loại 1 là 18,5-24,9; loại 2 là 25-26,9; loại 3 là 27-29,9. Ví dụ, nam thanh niên cao 1,7 m, nặng 65 kg, có chỉ số BMI là 22,5, đạt sức khỏe loại 1. Cùng chiều cao 1,7m, nhưng nam thanh niên nặng 90 kg sẽ có BMI là 31,1 và không đạt sức khỏe loại 3.
Ngoài ra, nam công dân cao dưới 1,57 m và cân nặng dưới 43 kg; nữ cao dưới 1,5 m, cân nặng dưới 42 kg không đạt tiêu chuẩn tham gia nghĩa vụ quân sự.
Bộ Quốc phòng bổ sung nội dung khám cận lâm sàng. Đây là điểm mới so với quy định trước. Cán bộ khám tuyển sẽ lấy máu để làm công thức máu; nhóm máu; chức năng gan, thận; đường máu; virus viêm gan B, C; HIV; nước tiểu toàn bộ 10 chỉ số. Cùng với đó, thanh niên khám tuyển còn được siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.
Thanh niên sẽ được khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ). Như vậy so với Thông tư liên tịch cũ của Bộ Quốc phòng và Y tế, việc khám sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự chặt chẽ với nhiều quy trình, xét nghiệm hơn.
Thanh niên khi khám tuyển cũng được đánh giá về tình trạng bệnh tật. Trong đó, một số bệnh được quy điểm 4, 5, 6, tức nếu mắc sẽ không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự. So với trước, Bộ Quốc phòng bổ sung các bệnh liên quan đến trầm cảm. Cụ thể, thanh niên bị rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ, vừa và nặng (điểm 4-6); rối loạn phân liệt cảm xúc trầm cảm (điểm 6); rối loạn cảm xúc lưỡng cực trầm cảm (điểm 6) đều không đảm bảo sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Hoàng Đình Thiết, Trưởng ban Quân lực, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng, cho biết theo Thông tư 105, việc đánh giá sức khỏe theo chỉ số BMI đòi hỏi tiêu chuẩn về thể trạng cao hơn trước rất nhiều. "Ví dụ các cháu trước chỉ cần trên 43 kg là đủ điều kiện, nhưng giờ vẫn có thể không đạt vì chỉ số BMI tính theo tỷ lệ chiều cao, cân nặng. Số lượng trượt nhiều hơn mọi năm, nhưng nhờ đó thể chất tân binh cũng được cải thiện", thượng tá Thiết nói.
Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên mắc các tật khúc xạ về mắt vẫn cao, đặc biệt khu vực nội thành. Thành phố đã hỗ trợ 100% chi phí mổ mắt cho 62 công dân mắc tật khúc xạ đi nghĩa vụ quân sự.
Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết theo Thông tư mới việc tuyển chọn công dân đi nghĩa vụ quân sự đòi cán bộ địa phương kiểm tra chặt chẽ và tỉ mỉ hơn. Với việc bổ sung nhiều quy trình khám, sàng lọc, xét nghiệm, thể trạng sức khỏe của tân binh tăng lên đáng kể, đáp ứng tốt hơn hoạt động huấn luyện.
Năm 2025, các địa phương trên cả nước sẽ tổ chức lễ giao, nhận quân trong ba ngày 13-15/2. Cụ thể, ngày 13/2 có 52 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân, bao gồm Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 6 tỉnh thuộc Quân khu 1; 4 tỉnh thuộc Quân khu 2; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 3; 11 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 5; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 7; 12 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 9.
Ngày 14/2, có 6 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân (thuộc Quân khu 4) và ngày 15/2 có 5 tỉnh (thuộc Quân khu 2).
Ý kiến ()