
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non khu vực miền núi
Tại các vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS, những năm gần đây, chất lượng giáo dục các cấp học nói chung, giáo dục mầm non nói riêng đã được quan tâm hơn rất nhiều. Với nhiều giải pháp đồng bộ, trẻ em miền núi đã được chăm lo, cải thiện về dinh dưỡng, thể lực cũng như thụ hưởng những điều kiện phát triển tốt nhất.
Trường Mầm non Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) hiện có 10 điểm trường, trong đó có 9 điểm lẻ, 1 điểm chính. Toàn trường có 450 trẻ (gồm: 119 nhà trẻ, 331 trẻ mẫu giáo), với tổng số 22 nhóm lớp. Theo đó, năm học 2024-2025, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 52,4% (tăng 10% so với năm học trước); tỷ lệ trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ra lớp đạt 98% (tăng 1,3% so với năm học trước). Trẻ có cân nặng bình thường đạt 99,1% (tăng 1,9% so với năm học trước); trẻ có chiều cao bình thường đạt 95,1% (tăng 0,7% so với năm học trước).
Cô giáo Phạm Thị Huế, Hiệu trưởng Mầm non Đồn Đạc đánh giá: Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường đã duy trì việc tính khẩu phần ăn cho trẻ trên phần mềm, đảm bảo cân đối các dưỡng chất; thực hiện nghiêm túc quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trường đã tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ, 100% trẻ được khám sức khoẻ định kỳ và theo dõi sức khoẻ trên biểu đồ tăng trưởng.
Trường Mầm non Đồn Đạc cũng chỉ đạo giáo viên xây dựng tốt môi trường nhóm lớp, tăng cường sưu tầm nguyên liệu mở cho trẻ hoạt động, đổi mới trong việc lập kế hoạch giáo dục, thiết kế hoạt động có chủ đích đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, giáo dục thay đổi hình thức phương pháp giảng dạy, nhằm phát huy tính tích cực của trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Toàn huyện Ba Chẽ hiện có 22 cơ sở giáo dục. Ở cấp mầm non có 7 trường, 90 nhóm lớp, 1.833 trẻ. Nhìn chung, năm học này, các trường mầm non trên địa bàn huyện đều tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình Giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm; làm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; xây dựng môi trường cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ cho biết: Phòng đã chỉ đạo các trường tập trung duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tổ chức bữa ăn bán trú đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các trường chú trọng thực hiện "Mô hình bữa ăn hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ". Từ mô hình này, trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tích cực chủ động trong các hoạt động, thích tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, trẻ thích được vui chơi cùng các bạn, thích đi học hơn trước.
Ở các địa phương miền núi của tỉnh, giáo dục mầm non đã và đang có nhiều chuyển biển đáng ghi nhận. Như tại huyện Bình Liêu, hiện có 8 trường mầm non công lập, 128 nhóm, lớp. Năm học này, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra học đạt 62,73% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 2,53%); huy động trẻ mẫu giáo đạt 99,95% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,05%); huy động trẻ 5 tuổi ra học đạt 99,85% trẻ trong độ tuổi; huy động trẻ 6 tuổi ra học lớp 1 đạt 100% kế hoạch.
Công tác nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được quan tâm thực hiện, 100% trẻ đến trường trên địa bàn huyện đều được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng.

Từ tháng 7/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025, Đề án được triển khai tại 64 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ khi có Đề án này, các cấp, các ngành, các địa phương có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn, trong việc chăm lo cho trẻ mầm non. Đối với ngành GD&ĐT, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm thực hiện tốt về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo cân đối, hợp lý, đầy đủ, đảm bảo VS ATTP, tăng cường các hoạt động thể lực cho trẻ tại trường.
Có thể thấy, giáo dục mầm non khu vực miền núi dù còn nhiều khó khăn song với nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các nhà trường, trẻ mầm non đã và đang được chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, phát triển một cách toàn diện, từ đó, giảm dần tình trạng nhẹ cân, thấp còi.
Ý kiến ()