Muốn con hay chữ...
Xưa thế, nay càng thế. Bây giờ cái lễ ấy nghe chừng nhạt đi, không mấy mặn mà như ngày nào. Có phần vì xã hội phát triển, người lớn trăm công nghìn việc bề bộn, người lớn văn minh hoá, không mấy thời giờ để mắt tới con mình học hành ra sao, cần kíp những gì. Có phần lúc này học trò ngày càng đông nghịt, nạn thất học hầu như giảm hẳn, một địa phương nhỏ như nơi tôi cư trú, mấy chục năm trước chỉ cấp II là cao nhất, nay đủ mọi loại trường: phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, tiểu học, cao đẳng, đại học, bổ túc văn hoá... Hình như cả xã hội đều học tập, cả xã hội lao vào học tập. Chất lượng giáo dục thăng giảm thất thường, mấy năm nay người ta đang quen dần với tỷ lệ xuống thấp của các môn thi, các kỳ tốt nghiệp, các đợt vào đại học. Các gia đình cũng bắt đầu quen với các điểm thi xuống thấp của con em mình, quen với việc các cháu rẽ ngang theo học các trường chuyên nghiệp, điều lâu nay khó có thể tưởng tượng nếu số trẻ đó trượt “đại học”.
Tôi có một người quen vừa dự liên hoan các doanh nghiệp giỏi ở Trung ương về. Rất mừng thấy anh ngày một làm ăn khấm khá sáng tạo, tiền vào ngân quỹ như nước, anh lại vinh dự thay mặt doanh nhân xung quanh báo cáo tại Hà Nội. Muốn nghe anh kể chuyến đi họp kỷ niệm này, đâu phải ai muốn cũng dễ được đi. Thì anh lại rầu rầu mặt, nói chuyện khác:
- Đêm qua tôi với vợ tôi cãi nhau. Có mỗi mống con trai, học hành ẽo ợt chẳng ra sao, thi lần nào cũng trượt. Mẹ nó bảo nhất quyết bắt con phải vào đại học bằng được. Tôi bảo xã hội tiến lên, bao nhiêu thứ nghề, mình lo con học thợ dễ hỏng sao. Không có thợ hỏi lấy những ai làm việc, nhất là những việc kỹ thuật. Để con chơi rông, lợi đâu không biết, hại đã trông thấy. Vợ tôi trừng mắt: “Không được, phải vào đại học”. Tôi cự: “Làm sao vào được?”. Vợ tôi thẳng băng: “Tiền, có tiền là có tất!”.
Chuyện nhà bạn, mỗi người một ý, không sao. Nhưng cái lẽ “có tiền mua tiên cũng được” ngẫm xem thật đúng chưa? Muốn con hay chữ thì yêu lấy tiền hay lấy thầy? Đấy là điều đâu dễ lý giải, dễ hiểu khi thời nay, đồng tiền đang len lách vào mọi chỗ, mọi chuyện, cả đúng cả sai cả trong lẫn ngoài xã hội.
Ý kiến ()