
Đặc sắc lễ hội vùng biển Quảng Ninh
Quảng Ninh có hệ thống di sản lễ hội biển đa dạng và phong phú, đang ngày càng phát huy giá trị trong đời sống xã hội hiện đại.

Theo thống kê về hệ thống di sản lễ hội ở một số địa phương tại Quảng Ninh của TS. Nguyễn Phương Thảo, Trưởng Khoa Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Quảng Ninh có đến 46 lễ hội biển thường được tổ chức ở đình, chùa, miếu, nghè trên vùng biển đảo. Và các lễ hội gắn với văn hóa biển chiếm số lượng và ưu thế vượt trội so với khu vực nội đồng.
Có lẽ, Quảng Ninh là vùng đất chịu sự chi phối và tác động nhiều bởi yếu tố biển, nên sinh hoạt văn hóa và lối sống của cư dân vẫn còn bảo lưu nhiều yếu tố biển, thể hiện sinh động là trong lễ hội cổ truyền. Kết quả thống kê cho thấy, các lễ hội ở vùng hải đảo chiếm đa số với 43%, tiếp đến là vùng ven biển chiếm 37%, thấp nhất là lễ hội ở vùng nội đồng chỉ chiếm 20%.
Tại TP Hạ Long có các lễ hội biển truyền thống là lễ hội đền Bà Men và lễ hội đình Giang Võng - Trúc Võng. TS. Đỗ Danh Huấn, nghiên cứu viên Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến các lễ hội biển ở Hạ Long, trong đó có lễ hội đền Bà Men. Lễ hội đền Bà Men diễn ra từ ngày 18 và 19 tháng Giêng trên Vịnh Hạ Long, mang đậm nét văn hóa của ngư dân nghề biển.
Theo TS. Đỗ Danh Huấn, không chỉ lễ hội đền Bà Men, nhiều lễ hội ở Hạ Long có gắn bó mật thiết với không gian biển. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là vùng đất chịu sự chi phối và tác động nhiều của yếu tố biển. Sinh hoạt văn hóa và lối sống của cư dân vẫn còn bảo lưu nhiều yếu tố biển, mà thể hiện sinh động nhất trong lễ hội cổ truyền. Đây là nguồn lực di sản to lớn để phát triển du lịch bền vững, phát triển công nghiệp văn hoá và kinh tế di sản.
TS. Đỗ Danh Huấn cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội cần đặt trong quan hệ tích hợp với di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, lấy Vịnh Hạ Long làm trung tâm. Lễ hội truyền thống ở các địa phương, khu vực phụ cận đóng vai trò là vệ tinh, bổ trợ và làm phong phú cho di sản Vịnh Hạ Long. Từ vùng lõi của nó, tức là vùng Vịnh Hạ Long sẽ xây dựng các tuyến điểm du lịch đa dạng, phong phú, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham quan. Tại vì tính chất biển nổi trội của nhiều lễ hội Quảng Ninh nên không có lý do gì mà không tích hợp các lễ hội biển với di sản Vịnh Hạ Long. Từ đó, chúng ta một mặt bảo tồn di sản lễ hội, mặt khác là huy động sức mạnh tổng thể cùng phục vụ một mục đích chung là phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Ninh có 2 lễ hội cầu ngư tại phường Tân An (TX Quảng Yên) và cảng cá Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Tại TX Quảng Yên, lễ hội cầu ngư diễn ra vào mùng 5, 6 tháng Giêng hằng năm tại Cảng cá Bến Giang (phường Tân An). Lễ hội có ý nghĩa phát động xuất hành khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đầu xuân; động viên ngư dân thi đua lao động sản xuất, khơi dậy truyền thống, phong tục tập quán và những nét riêng của nhân dân làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn. Với ngư dân, lễ hội cầu ngư là một hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng, cầu cho mưa thuận gió hoà, để ngư dân ra khơi khai thác và nuôi trồng thủy sản được mùa tôm cá.
Ngay sau lễ, hàng trăm con tàu, thuyền đang neo đậu xuất hành ra khơi. Lễ hội cầu ngư cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của ngư dân vùng biển huyện Vân Đồn, thể hiện lòng thành kính đối với thần Nam Hải, cá Ông và các vị thần linh che chở, phù hộ cho ngư dân một năm mới khai thác, nuôi trồng được thắng lợi, tôm cá đầy khoang.
Cũng tại Quảng Yên, nhiều lễ hội ở vùng làng đảo Hà Nam tuy là lễ hội vùng nội đồng nhưng vẫn có những yếu tố biển do lịch sử hình thành vùng đất này. Trong khi đó tại TP Móng Cái, lễ hội đình Vạn Ninh, lễ hội đình Bình Ngọc và lễ hội đình Trà Cổ đều thuộc phạm trù lễ hội biển.
Trên địa bàn huyện Cô Tô có duy nhất một lễ hội và đương nhiên đây là lễ hội biển. Từ năm 2024, lễ hội mở cửa biển được phục dựng với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu di sản lễ hội từng công tác tại Viện Nghiên cứu văn hoá Việt Nam và đội nghi lễ đến từ phường Phong Cốc (TX Quảng Yên). Lễ hội sẽ được duy trì thường niên vào 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng với các nghi lễ tâm linh thiêng liêng, đặc sắc, như: Lễ tế cá Ông, thần biển, lễ dâng hương thể hiện lòng biết ơn với biển, với trời đất và các đấng thần linh, nghi thức ra khơi. Cùng với đó là phần hội với nhiều hoạt động, như: Hội thi làm bánh, triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi dân gian..
Ý kiến ()