Một “mũi tên” trúng nhiều đích
Có lẽ đến nay đây là đơn vị đầu tiên trong ngành sản xuất than làm được việc này. Khỏi phải nói các chị phấn khởi và lạ lẫm đến mức độ nào! Là vợ thợ lò đấy, nhưng quả thực nhiều chị cũng không thể hình dung nổi lò bễ ra sao, sinh hoạt, ăn uống của chồng mình ở nơi làm việc như thế nào, thậm chí công việc đào than vất vả, nguy hiểm đến đâu?
Bởi vậy khi được thăm nơi làm việc của chồng và nghe những lời giới thiệu của lãnh đạo Xí nghiệp, nhiều chị đã hiểu hơn về những sướng khổ của chồng mình trong công việc, từ đó cảm thông, chia sẻ với những buồn vui của các anh. Đặc biệt nhiều chị rất xúc động khi chứng kiến tốp thợ lò vừa tan ca mặt mũi, quần áo còn lấm lem than bụi đang hướng về phía nhà tắm nóng lạnh của đơn vị.
Có thể nói việc tổ chức cho vợ thợ lò đi thăm lò là cách làm “khôn ngoan” của Cao Thắng, đây có thể coi là một “mũi tên” phóng đi đạt được nhiều mục đích. Trước hết là những người vợ thợ lò hiểu được sâu sắc, cụ thể công việc, điều kiện làm việc của chồng mình để thông cảm, sẻ chia với người thân, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để người chồng đạt năng suất cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn lãnh đạo xí nghiệp thì gửi gắm được nhiều thông điệp đến họ, nhất là việc chăm lo tốt sức khoẻ, tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho những người chồng trước khi vào ca để có năng suất cao, đặc biệt là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sản xuất - một yêu cầu rất ngặt nghèo đối với nghề khai thác than hầm lò...
Từ cách làm của Cao Thắng, thiết nghĩ các doanh nghiệp khai thác than khác, nhất là các đơn vị hầm lò cần nghiên cứu áp dụng để mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao hơn...
Ý kiến ()