Một cách tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả
Từ năm 2010, Thành Đoàn Uông Bí đã có sáng kiến thực hiện mô hình “Kể chuyện theo án”, để nhằm mục đích tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn.
Mô hình được thực hiện với sự phối hợp tham gia của các đoàn viên, thanh niên đang công tác trong các ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Ban Chỉ huy quân sự và Phòng Tư pháp thành phố - những cán bộ, nhân viên có kiến thức chuyên sâu về pháp luật. Lúc đầu phương pháp kể chuyện chủ yếu là bằng lời nói thuần túy, nên mức độ thu hút người nghe không cao. Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai mô hình, từ năm 2014, cách thức kể chuyện đã được đổi mới, đó là thông qua hình thức sân khấu hóa để phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi và sở thích của đối tượng tuyên truyền. Với cách này đã làm cho những vấn đề pháp luật vốn khô khan trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp thu hơn. Bởi vậy, mỗi buổi kể chuyện đã thu hút từ 400 đến 500 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân đến nghe, xem. Đây có lẽ là một con số lý tưởng đối với một buổi tuyên truyền về pháp luật hiện nay…
Nội dung được truyền tải đến người nghe, người xem dựa trên các vụ án có thật đã xảy ra trong thực tế, đặc biệt là các vụ án có liên quan đến đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh. Nhiều thanh niên sau khi được xem những vở kịch, tiểu phẩm về các vụ án đã khẳng định có sự hiểu biết sâu hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời qua đó được bổ sung thêm các kiến thức về pháp luật và rút ra những kinh nghiệm, bài học cho bản thân để thực hiện tốt pháp luật…
Thực tế hiện nay cho thấy, đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều hành vi rất manh động, nguy hiểm cho xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần quan trọng là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, trong đó phải kể đến một bộ phận còn bị “mù” pháp luật. Nhiều trường hợp, sau khi bị bắt, đưa ra xét xử, được phân tích đối tượng mới ngộ ra rằng hành vi của mình là sai trái mà pháp luật đã nghiêm cấm…
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho xã hội, người dân nói chung và thanh, thiếu niên, học sinh nói riêng hiện đang được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện, triển khai. Tuy nhiên, cách thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phần lớn vẫn còn khô cứng, chưa hấp dẫn, khó tiếp thu. Bởi vậy tình hình am hiểu pháp luật trong nhân dân nói chung hiện nay còn nhiều hạn chế. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật…
Bởi vậy, với mô hình “Kể chuyện theo án”, đã và đang được Thành Đoàn Uông Bí triển khai cho thấy hiệu quả rõ nét trong công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật. Mô hình này cần được tổ chức Đoàn Thanh niên và các cơ quan chức năng triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật cho đông đảo người dân nói chung, đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh nói riêng, để ngăn chặn và giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội…
Thanh Tùng
Ý kiến ()