
Mô hình tiêu thụ nông sản cho đồng bào dân tộc
Mới đây, tại TP Hạ Long, Hợp tác xã Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc đã tổ chức khai trương HTX và cửa hàng tiêu thụ nông sản tại địa bàn phường Cao Xanh (gần chợ Sa Tô). Bước đầu, cung ứng hàng hóa cho cửa hàng có 39 HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, với nhiều mặt hàng nông sản, như rau củ các loại, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, mật ong, miến dong... Trong số đó có nhiều mặt hàng là sản phẩm OCOP của Quảng Ninh.
HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc là mô hình mới trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực đô thị, đông dân cư, có hoạt động du lịch phát triển như TP Hạ Long. Mô hình góp phần tăng cường kết nối cung - cầu, tạo thành chuỗi giá trị tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi vốn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tiêu thụ nông sản. Đồng thời, mô hình cũng là địa chỉ tin cậy cung cấp, mua bán các nông sản, thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.
Theo kế hoạch, thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, để mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng có uy tín, an toàn, mang đặc trưng của nhiều vùng miền. Đồng thời, tổ chức phân phối, tiêu thụ rộng khắp hơn nữa đến các đại lý, cơ sở bán lẻ...
Trong những năm qua, được sự quan tâm, tập trung đầu tư của Nhà nước và tỉnh, cùng sự chủ động, sáng tạo của các địa phương và người dân, nhiều giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao đã được trồng, phát triển ở các địa bàn trong tỉnh. Qua đó, đã tạo ra một khối lượng khá lớn các sản phẩm, hàng hóa nông sản. Cùng với đó, nhiều sản phẩm nông sản truyền thống của các địa phương cũng được chú trọng sản xuất, nên cũng đóng góp vào tăng số lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm, nông sản mang đặc trưng các vùng miền của tỉnh cũng được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Những yếu tố đó, đã góp phần gia tăng sản lượng, khối lượng các mặt hàng nông sản của tỉnh, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vấn đề tiêu thụ, tìm đầu ra cho nông sản, nhất là ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân là do một phần người dân trồng trọt, sản xuất không tuân thủ theo kế hoạch, quy hoạch. Phần lớn sản xuất theo phong trào, tự phát, thấy loại cây, con gì cho giá trị kinh tế cao là tập trung vào làm, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, dẫn đến nhiều khi không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh tế của nhiều hộ dân. Ví dụ điển hình là sản phẩm miến dong Bình Liêu, do sản xuất cung vượt cầu, nên có thời điểm đã phải có giải pháp để “giải cứu” miến Bình Liêu...
Vì vậy, để giải bài toán về tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, cho đồng bào dân tộc thì bên cạnh việc cần thiết duy trì, mở rộng, phát triển mô hình HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc như đã nói ở trên, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng cần sâu sát, quan tâm đồng hành với người dân vùng đồng bào dân tộc trong việc định hướng, tư vấn cho các hộ trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả cao, tiêu thụ được tốt, cân đối được cung cầu, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đó cũng là giải pháp giúp các hộ dân đồng bào dân tộc thoát nghèo và làm giàu bền vững...
Thanh Tùng
Ý kiến ()