Mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức ngày 19-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân đi khiếu nại, tố cáo để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.
Những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tại Quảng Ninh tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn không giảm, khiếu kiện đông người vẫn xuất hiện tại nhiều địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn.
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, kết quả 8 tháng đầu năm 2014, các cơ quan nhà nước các cấp đã tiếp 3.540 lượt công dân, với 2.679 vụ việc. Về khiếu nại, đã giải quyết 157/207 vụ việc. Trong đó, khiếu nại đúng 7 vụ việc; khiếu nại sai 141 vụ việc; khiếu nại có đúng, có sai 7 vụ việc; 2 vụ việc công dân xin rút đơn. Về tố cáo, đã giải quyết 30/42 vụ việc. Trong đó, tố cáo đúng 8 vụ việc; tố cáo sai 18 vụ việc; tố cáo có đúng, có sai 4 vụ việc. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 2.140 triệu đồng, 106m2 đất; trả lại cho công dân 9.497m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 3 đối tượng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 đối tượng.
Tại Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo khẳng định: Làm tốt công tác này là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.
Nghị định 64/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Theo đó quy định chi tiết về việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân.
Ban Tiếp công dân được thành lập ở các cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp xã không thành lập Ban mà bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân, do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn chỉ đạo thực hiện thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh và cấp huyện cùng các nội dung để thực hiện đúng theo Luật Tiếp công dân.
Chúng ta tin tưởng, với việc đổi mới công tác tiếp công dân sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói chung, nhất là những khó khăn, vướng mắc cản trở quá trình đầu tư phát triển. Đổi mới công tác tiếp công dân trước hết phải từ cán bộ trực tiếp làm công tác này, như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân.
Nguyên Đan
Ý kiến ()