Mái ấm công đoàn - Ấm lòng thợ mỏ
Theo thống kê của Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), giai đoạn 2007-2017 Công đoàn TKV đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.984 "Mái ấm công đoàn" cho thợ mỏ, trong đó có 1.454 căn xây mới và 530 căn sửa chữa; tổng số tiền trên 92,3 tỷ đồng.
Những ngôi nhà hạnh phúc
Anh Trương Mạnh Hà (Phân xưởng Phục vụ, Công ty Than Mạo Khê) từng bị tai nạn giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dập khuyết một bên não, trí nhớ giảm sút, khó diễn đạt khi giao tiếp. Tai nạn giao thông kéo theo bao hệ lụy, vợ chồng anh ly tán, từ thợ lò thu nhập khá, anh phải chuyển sang bộ phận phục vụ với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Nhờ sự quan tâm, đề xuất của Công đoàn công ty, anh Hà đã được Công đoàn TKV hỗ trợ xây "Mái ấm công đoàn" với số tiền 80 triệu đồng, công ty hỗ trợ 25 triệu đồng, đồng nghiệp trong Phân xưởng Phục vụ hỗ trợ quà và ngày công để xây dựng ngôi nhà với tổng trị giá 165 triệu đồng trên diện tích 32m2. Ngôi nhà được hoàn thành ngay trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ông Trương Mạnh Hùng, bố anh Trương Mạnh Hà, chia sẻ: Gia đình chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi khó khăn nhất có công đoàn ở bên, có "Mái ấm công đoàn" để ở.
Theo chân cán bộ công đoàn Công ty CP Than Núi Béo trong nhiều năm qua, phóng viên đã chứng kiến không ít công nhân còn ở trong những ngôi nhà xập xệ, công nhân phải thuê nhà trọ không đáp ứng điều kiện sống tối thiểu... Bởi thế xây dựng "Mái ấm công đoàn" là chủ trương vô cùng nhân văn.
Còn nhớ dịp theo đoàn công tác của Công đoàn TKV và Công đoàn Công ty CP Than Núi Béo đến nhà chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân Phân xưởng Vận tải giếng đứng, chúng tôi đã phải tìm vào tận trong con ngõ sâu, dốc cao, địa hình ngoằn ngoèo ở phường Hà Trung (TP Hạ Long).
Chồng mất đã nhiều năm nay, chị Hạnh phải một mình tần tảo hôm sớm nuôi con ăn học. Đón chúng tôi ở cổng, chị Hạnh không giấu được niềm hạnh phúc: Trong xóm, dịp Tết này vui nhất có lẽ chính là mẹ con tôi, bởi sau hàng chục năm phải ở nhờ, ở nhà thuê, nay mẹ con tôi đã có được căn nhà riêng khang trang 50m2 trên mảnh đất bố mẹ cho.
Ông Nguyễn Tiến Nhương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Núi Béo, chia sẻ: Để xây được "Mái ấm công đoàn" cho đúng đối tượng, đòi hỏi sự quan tâm sâu sát của cán bộ công đoàn. Từ cấp công đoàn bộ phận nắm tình hình đời sống công nhân, ai có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở sẽ được tập hợp báo cáo lại, Công đoàn công ty sẽ khảo sát tình hình và đề nghị Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ xây "Mái ấm công đoàn". Qua nhiều khâu khảo sát, sâu sát với người lao động, cán bộ công đoàn luôn nắm tường tận địa chỉ nhà của đoàn viên dù là trong ngõ ngách.
17 năm và gần 2.000 "Mái ấm công đoàn"
Chương trình nhà ở "Mái ấm công đoàn" là hoạt động thiết thực của các cấp công đoàn nhằm chăm lo cải thiện nhà ở cho CNLĐ khó khăn về nhà ở, góp phần thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống người lao động là một trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TKV, đồng thời góp phần thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ CNVCLĐ nghèo về nhà ở. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, hầu hết các cấp công đoàn cơ sở đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, sự phối hợp của chuyên môn và các đoàn thể cùng cấp.
Đảng ủy Tập đoàn đã có nghị quyết lãnh đạo việc chăm lo đời sống về nhà ở cho người lao động; Tổng Giám đốc và Công đoàn TKV ký ban hành nghị quyết liên tịch về nhà ở cho công nhân, tạo cơ chế thống nhất thực hiện trong Tập đoàn. Chương trình nhà ở "Mái ấm công đoàn" được lãnh đạo các cấp và người lao động ghi nhận, đánh giá cao, là chương trình trọng tâm, hiệu quả của Công đoàn TKV và công đoàn các đơn vị trực thuộc.
Theo ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn TKV, Ban Thường vụ Công đoàn TKV đã ban hành quyết định kèm theo điều lệ hoạt động quỹ "Mái ấm công đoàn" của Công đoàn TKV; thành lập Ban Quản lý quỹ "Mái ấm công đoàn" có cán bộ chuyên trách theo dõi và đại diện các ban, phân công một đồng chí Phó Chủ tịch công đoàn phụ trách. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNLĐ làm cho mọi người cùng có chung nhận thức thành lập quỹ "Mái ấm công đoàn" là đúng đắn và cần thiết.
Nhiều đơn vị đã thường xuyên vận động đóng góp với số tiền đóng quỹ lớn, tỷ lệ đóng góp cao, như công đoàn các công ty: Than Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê, Hòn Gai, Hạ Long, Cao Sơn, Tuyển than Cửa Ông, Hóa chất mỏ, Công nghiệp mỏ Việt Bắc...
Những gia đình CNLĐ được quỹ hỗ trợ đã từng bước ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái học hành tốt hơn, bản thân công nhân và các gia đình được hỗ trợ yên tâm công tác, làm việc gắn bó, tích cực góp phần xây dựng và phát triển sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Để chung tay hỗ trợ gia đình CNLĐ khó khăn xây, sửa nhà ở, ngoài số tiền hỗ trợ từ quỹ “Mái ấm công đoàn” nhiều đơn vị còn trích từ các nguồn quỹ khác như "Quỹ phúc lợi", "Quỹ tương trợ", quỹ do người lao động đóng góp... để hỗ trợ thêm cho các gia đình CNLĐ được hỗ trợ xây, sửa nhà ở. Một số đơn vị có quy chế chi hỗ trợ thêm cho CNLĐ cao, như: Công ty CP Than Mông Dương; Tổng Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ; Công ty Than Hạ Long; Công ty Than Mạo Khê; Công ty CP Than Hà Lầm...
Gia đình người lao động còn được các phân xưởng, đơn vị trực tiếp, tổ sản xuất, công đoàn bộ phận hỗ trợ thêm bằng tiền, bằng vật tư, vật liệu, ngày công lao động, tạo sự hưởng ứng giúp đỡ trong CNLĐ, đồng nghiệp cùng đơn vị với hiệu quả rất thiết thực.
Chương trình nhà ở "Mái ấm công đoàn" do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn TKV phát động thể hiện sự quan tâm của tổ chức công đoàn tới đời sống của người lao động, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của CNLĐ toàn ngành; là một quyết định đúng đắn mang tính nhân văn, chăm lo tốt đời sống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động của tổ chức công đoàn; đặc biệt đối với CNLĐ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở, đây là một hành động thiết thực, một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.
17 năm triển khai thực hiện chương trình nhà ở "Mái ấm công đoàn" của Công đoàn TKV đã góp phần thực hiện xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo, huy động được nhiều nguồn lực cùng chung tay giúp đỡ hàng nghìn gia đình CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở được sống trong những ngôi nhà khang trang hơn, chăm sóc nuôi dạy con cái tốt hơn, có động lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất góp phần vào sự phát triển chung của đơn vị và Tập đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Ý kiến ()