Luật cư trú đi vào cuộc sống
Ví dụ, theo pháp luật hiện hành, công dân từ 15 tuổi trở lên đi vắng qua đêm khỏi nơi cư trú đều phải khai báo tạm vắng. Quy định này từ 1-7 sẽ không còn hiệu lực. Theo Luật cư trú, chỉ có những trường hợp đang bị áp dụng chế tài hành chính, hình sự; người thực hiện nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên mới cần phải làm việc này. Khi đăng ký lưu trú, người dân không cần phải đến cơ quan công an sở tại mà chỉ cần gọi điện thoại thông báo. Một nét mới nữa: Luật Cư trú cho phép người dân cư trú liên tục tại các thành phố trực thuộc Trung ương một năm, có chỗ ở hợp pháp là được cấp hộ khẩu, trong khi trước kia, thời hạn này là 3 năm. Quy định về chỗ ở hợp pháp được mở rộng từ nhà ở đến nhà thuê hay tàu, thuyền và các phương tiện khác nhằm để ở và phục vụ sinh hoạt.
Như vậy, Luật Cư trú chắc chắn sẽ là chìa khoá để giải phóng lao động ở các vùng nông thôn đang thiếu việc làm, mở đường cho dòng chảy lao động từ nông thôn ra thành phố một cách đường đường chính chính.
Qua thăm dò, đại đa số người dân đều ủng hộ việc cho ra đời và đưa Luật Cư trú vào cuộc sống. Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại trước việc các thành phố sẽ quá tải lượng người “đổ bộ”, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ về chỗ ở, giá cả, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... hoặc việc lợi dụng “lách luật” để hợp thức hoá việc đăng ký hộ khẩu.
Đó là những lo ngại có lý mà các cơ quan chức năng không thể không lưu ý đến khi tổ chức vận hành Luật Cư trú trong đời sống.
Ý kiến ()